Vượt rào cản để 'phổ cập' giáo dục STEM trong các trường tiểu học
Dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn học liệu, sỹ số đông, thời lượng hạn hẹp...nhưng giáo viên nhiều trường tiểu học ở Hà Nội đã nỗ lực để đưa giáo dục STEM đến với học sinh tiểu học.
Sau khi triển khai giáo dục STEM ở bậc tiểu học, hiệu trưởng nhiều trường tiểu học cho hay đây thực sự là phương pháp giáo dục tích cực, mang lại hứng thú cho học sinh và thực hiện hiệu quả mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Trường học hạnh phúc
Triển khai giáo dục STEM đã mang lại sự hứng khởi cho học sinh là nhận định chung của hiệu trưởng các trường tiểu học của huyện Thanh Trì tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì ngày 30/3.
Theo ông Phạm Văn Ngát, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, đây cũng là lý do ngành giáo dục Thanh Trì rất quyết liệt trong chỉ đạo, giám sát các trường tiểu học trên địa bàn trong việc phải đưa bằng được STEM đến học sinh, dù trong năm học 2022-2023 này, Thanh Trì không phải là một trong 5 quận, huyện được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao thực hiện thí điểm giáo dục STEM ở bậc tiểu học.
Từ thực tế cơ sở, cô Nguyễn Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Tiểu học Yên Xá (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Đưa STEM vào giảng dạy học sinh rất hứng thú, phụ huynh cũng phấn khởi và mong con được học nhiều môn, nhiều tiết STEM hơn. Nếu với sự quyết liệt từ bộ, sở và các cơ sở giáo dục thì tôi nghĩ chúng ta sẽ căn bản đổi mới được chất lượng cũng như đáp ứng mục tiêu dạy học cảm xúc và đạt mục tiêu trường học hạnh phúc.”
Cũng theo cô Mai, khi mới tiếp cận, giáo dục STEM tưởng như khá xa vời, "đao to búa lớn," nhưng khi tìm hiểu kỹ thì đây là hoạt động giáo dục tích hợp liên môn, khơi gợi sự chủ động trong tư duy và thực hành của học sinh. Ban giám hiệu và các giáo viên phải nghiên cứu lồng ghép STEM ở mức độ nào nào để không quá tải, không quá mức với thực tế nhà trường và vẫn đạt được mục tiêu.
Ví dụ học sinh lớp 1 học về hình khối, sau đó có thể ráp các hình lại thành con giống, vẽ trang trí. Ở tiết học về đường ziczac, giáo viên có thể cho học sinh tạo hình như thành cây thông, hàng rào…, từ đó kết hợp thêm cả yếu tố mỹ thuật để thành giáo dục STEAM.
Học sinh hào hứng và đạt hiệu quả giáo dục rõ rệt khi triển khai STEM cũng là nhận định của cô Đào Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đỗ Ngọc Du, huyện Thanh Trì. Cô Thủy cho hay, từ năm học 2020-2021, một số giáo viên đã thử nghiệm dạy STEM.
Hè năm 2022, trường Đỗ Ngọc Du đã tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên và từ năm học 2022-2023, tất cả các khối từ lớp 1 đến lớp 5 đều dạy STEM với hình thức lồng ghép. Giáo viên nghiên cứu chương trình để xác định bài nào có thể dạy lồng ghép STEM, tổ chức trong một hoạt động hay trong cả tiết học. Ví dụ như dạy bài về hỗn hợp, giáo viên cho học sinh pha nước chấm, nước hoa quả. Học bài về cách làm sạch nước, các em được thực hành lọc nước bằng cát, sỏi, than củi. Học sinh lớp 1 có thể làm cầu từ cốc giấy và que gỗ.
“Khi đưa STEM vào dạy học, học sinh rất tích cực vì được thực hành, trải nghiệm, được phát hiện và giải quyết các vấn đề. Các em có cơ hội phát huy khả năng, năng lực của mình, rèn tư duy và sự sáng tạo, năng động, được hoạt động nhóm nhiều hơn. Đó là những ưu điểm rõ nét,” cô Huỳnh Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Tiểu học Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) nói.
“Học sinh được chủ động khám phá kiến thức mới, hào hứng trong học tập nên khả năng ghi nhớ tốt hơn, nuôi dưỡng niềm yêu thích khoa học,” cô Nguyễn Thúy Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) chia sẻ.
Vượt nhiều rào cản
Chia sẻ với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, lãnh đạo các trường tiểu học cũng thẳng thắn cho biết những khó khăn, thách thức gặp phải khi triển khai giáo dục STEM. Một trong số đó là sỹ số lớp quá đông, thời lượng trên lớp không đủ, cơ sở vật chất còn hạn chế... Trong khi đó, trình độ và nhận thức của giáo viên về STEM vẫn chưa sâu, đội ngũ giáo viên lớn tuổi ngại thay đổi.
Cô Nguyễn Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Xá cho hay giáo viên phải mất nhiều thời gian công sức hơn để thiết kế kế hoạch bài dạy vừa đủ lượng kiến thức, áp lực thời gian. Cô trò đều phải chuẩn bị phương tiện và vật liệu sao cho hiệu quả nhất.
Cũng vì phải chuẩn bị nhiều thời gian hơn với nhiều vật liệu hơn nên theo cô Huỳnh Thị Phương Anh, Hiệu trường Tiểu học Vĩnh Quỳnh, để dạy STEM rất cần sự vào cuộc của phụ huynh, nhất là khi sỹ số các lớp đông, thời gian trên lớp hạn chế. Cụ thể là phụ huynh sẽ phải hỗ trợ trong việc giúp học sinh chuẩn bị nguyên vật liệu hay công đoạn khó, giám sát, nhắc nhở học sinh hoàn thành những phần việc thực hiện ngoài giờ.
“Cơ sở vật chất cũng cần được trang bị đầy đủ hơn. Hiện các trường có phòng công nghệ nhưng so với yêu cầu để dạy STEM thì diện tích hẹp và thiếu trang thiết bị phù hợp,” cô Phương Anh nói.
Bên cạnh đó, các trường cũng kiến nghị được tập huấn sâu hơn về STEM, được học hỏi các đơn vị bạn, các điển hình để triển khai tốt hơn trong năm học tới.
Cô Thanh Mai cho hay dù đã được dự tập huấn của sở, đặc biệt là của Phòng Giáo dục nhưng đây là cách dạy mới nên một số giáo viên, nhất là giáo viên cứng tuổi vẫn chưa hiểu rõ. Vì vậy, trường đã phải mời chuyên gia về giáo dục STEM tập huấn 4 buổi. Để giải quyết khó khăn về trang thiết bị và vật liệu, các giáo viên phải thiết kế bài học từ nguyên liệu gần gũi hơn.
Chia sẻ với lãnh đạo các trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay sự nỗ lực của ngành giáo dục Thanh Trì là rất lớn khi 100% trường tiểu học chủ động triển khai giáo dục STEM ngay ở năm học 2022-2023 này dù không phải đơn vị thí điểm. Đây sẽ là tiền đề rất tốt để Thanh Trì thực hiện hiệu quả nội dung này khi từ năm học 2023-2024 tới đây, giáo dục STEM sẽ chính thức trở thành hoạt động bắt buộc.
Theo Thứ trưởng, quy trình của giáo dục STEM là xác định vấn đề, sau đó bằng kiến thức nền xử lý vấn đề, thiết kế kỹ thuật, tổ chức thi công, ra bản mẫu và thử, tìm nguyên nhân điểm đạt và chưa đạt của bản mẫu, sau đó quay lại điều chỉnh thiết kế để từ đó cải tiến tốt hơn.
Với quy trình đó, STEM là con đường rất gần gũi để đạt được 4 vấn đề quan trọng của mục tiêu đổi mới giáo dục: chuyển nền giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực; dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; hài hòa đức, trí, thể, mỹ; phát huy hết tiềm năng của từng cá nhân.
Cũng đánh giá cao giáo dục STEM, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì cho hay nếu không mang STEM đến được cho học sinh là lỗi của người lớn và Thanh Trì sẽ nỗ lực hơn nữa cho vấn đề này.
“Trong quá trình triển khai có vướng mắc, nhưng sẽ gỡ dần,” ông Hưng nói./.