Vượt Trung Quốc, Mỹ thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt
Với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,04 tỷ USD, chiếm 33,05% thị phần, Mỹ vượt qua Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam xuất khẩu trong hai tháng đầu năm nay.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản hai tháng đầu năm nay của cả nước ước đạt gần 11 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 16,6%; nhập khẩu ước khoảng 4,8 tỷ USD, tăng 13,6%; xuất siêu khoảng 1,37 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp đều tăng trưởng mạnh. Cụ thể, giá trị xuất khẩu cao su đạt khoảng 516 triệu USD (tăng 9,9%); chè đạt 29 triệu USD (tăng 11,1%); hạt điều đạt 442 triệu USD (tăng 21,5%), rau quả khoảng 610 triệu USD (tăng 14,6%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 2,44 tỷ USD (tăng 51,0%); mây, tre, cói thảm đạt 128 triệu USD (tăng 43,0%).
Không chỉ vậy, hai tháng đầu năm nay, thị trường xuất khẩu nông sản Việt cũng có sự thay đổi. Theo đó, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,04 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng hơn 33% thị phần, Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam xuất khẩu.
Xếp thứ hai là thị trường Trung Quốc. Trong 2 tháng qua, nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường này ước đạt 1,88 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ và chiếm 30,53% thị phần.
Xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt 606 triệu USD, tăng 25,2%, chiếm 9,82%, là khách hàng đứng thứ ba của nông sản Việt.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cũng chỉ rõ, thời gian tới hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy thị trường xuất khẩu sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan tới các quy định thị trường, rào cản kỹ thuật trong các FTAs phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp; triển khai các hoạt động tăng cường xuất khẩu thanh long, chanh leo từ Việt Nam tới các thị trường quốc tế.
Đồng thời, tiếp tục tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO, phối hợp với các đơn vị liên quan trong mạng lưới phản hồi các góp ý đối với dự thảo biện pháp SPS mới của Việt Nam đã thông báo với WTO. Xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết về SPS trong Hiệp định SPS của WTO và các Hiệp định Thương mại tự do.
Tại thị trường trong nước, tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước, đặc biệt là các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh; tổ chức triển khai kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025.