'Vượt Vũ môn' để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK), Việt Nam có thể thu hút dòng vốn ngoại khoảng 25 tỷ USD trong ngắn hạn. Nhưng để 'vượt Vũ môn', thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ cần giải quyết nhiều nút nghẹt cả về công nghệ, hành lang pháp lý và những yếu tố khách quan khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính trao bằng khen cho Tập đoàn SOVICO và Tập đoàn FPT - Ảnh: VGP/PD

Bộ trưởng Bộ Tài chính trao bằng khen cho Tập đoàn SOVICO và Tập đoàn FPT - Ảnh: VGP/PD

Phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI

Đây là phát biểu của ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại Việt Nam tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 28/02 vừa qua.

Theo ông Ketut Ariadi Kusuma, khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược, phù hợp với mục tiêu lớn hơn là chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Mục tiêu này phụ thuộc vào việc tận dụng hiệu quả thị trường tài chính để dẫn vốn đầu tư tới các mục tiêu kinh tế này, trong đó thị trường vốn đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể, TTCK đã đạt được mức vốn hóa khoảng 6 nghìn tỷ (247 tỷ USD) (khoảng 57% GDP) vào năm 2023, và thậm chí từng đạt kỷ lục 93% GDP vào năm 2021, càng nhấn mạnh về tiềm năng huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp.

Hiện tại, Việt Nam được MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên (FM). Kể từ tháng 9/2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ.

Một trong những điều kiện cần thiết để nâng hạng thị trường là Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI.

Nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài

Nếu Việt Nam thành công "vượt Vũ môn" nâng hạng TTCK sẽ thu hút được lượng vốn rất lớn từ các nhà đầu tư ngoại. Đại diện World Bank ước tính, Việt Nam có thể thu hút dòng vốn ngoại khoảng 25 tỷ USD trong ngắn hạn. Tuy nhiên, bài toán "room ngoại" đang trở thành rào cản để kéo vốn đổ về thị trường nội khi hiện nay do những quy định về giới hạn, nhiều mã cổ phiếu, đặc biệt cổ phiếu ngân hàng, room ngoại gần như lúc nào cũng hết.

Tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đưa ra giải pháp thiết thực: Nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, bằng các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting depository receipt, viết tắt là NVDR) để phù hợp với mục tiêu quản lý Nhà nước đặt ra đối với từng nhóm ngành, nghề.

Thực thi điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu ngoại tham gia thị trường, cung cấp quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, tự do hóa thị trường ngoại hối và các quy định thị trường bằng tiếng Anh.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico có sáng kiến để về khả năng "giải cứu" HoSE - Ảnh: VGP/PD

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico có sáng kiến để về khả năng "giải cứu" HoSE - Ảnh: VGP/PD

Tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo kết nối và hoạt động

Tại Quyết định số 1726/QĐ-ttg của Thủ tướng chính phủ ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu: "Phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập".

Nâng hạng thị trường sẽ tạo ra nhiều thách thức về cơ sở dữ liệu, đặt ra yêu cầu đảm bảo tính thông suốt khi mà số lượng nhà đầu tư gia tăng, đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt. Do đó, để đảm bảo mục tiêu TTCK ổn định, an toàn, việc đáp ứng yêu cầu về hạ tầng, công nghệ là rất quan trọng.

HoSE từng có "cú nghẹt" lịch sử vào năm 2021 do số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường quá lớn, bình quân 100.000 tài khoản mở mới/tháng, lượng lệnh tăng vọt trong khi năng lực xử lý của HoSE lúc đó chỉ ở 900.000 lệnh/phiên. Tình trạng nghẽn lệnh kéo dài không chỉ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quyền lợi của nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế.

Sự chỉ đạo nhanh chóng của Thủ tướng cùng ứng phó kịp thời của UBCKNN, Bộ Tài chính và các cơ quan ban ngành đã cho các doanh nghiệp cơ hội tham gia xử lý vấn đề nghẽn hệ thống tại sàn HoSE. Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico - chuyên gia trong ngành tự động hóa, đã rất nhanh chóng và gấp rút đưa ra sáng kiến, khảo sát sơ bộ, và trao đổi với ông Trương Gia Bình - lãnh đạo FPT về khả năng "giải cứu" HoSE. 100 ngày làm việc cấp bách, Sovico và FPT đã thành công đưa sàn HoSE trở lại thị trường, chứng khoán Việt sau đó bứt phá ngoạn mục với giao dịch toàn thời gian, thanh khoản tăng kỷ lục.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trương Gia Bình đều là lãnh đạo của những doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm VN30 trên HoSE, với hàng chục nghìn nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước là cổ đông; những doanh nghiệp điển hình mang lại những giá trị, niềm tin cho các nhà đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của TTCK Việt Nam.

"Nhờ" sự cố đó, Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh và tầm nhìn, có thể làm chủ công nghệ, doanh nghiệp Việt được tin tưởng, từ đó vươn lên và cạnh tranh với các nước phát triển.

PD

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/vuot-vu-mon-de-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-trong-nam-2024-102240229234218208.htm