Vứt bỏ con sau khi sinh: Bi kịch sau những cuộc 'vượt cạn' trong cô đơn, tuyệt vọng
Cô đơn, tuyệt vọng cùng đớn đau về thể xác khi phải 'vượt cạn' một mình, những phụ nữ rơi vào bi kịch khi chọn giải pháp bỏ đi đi đứa con vừa dứt ruột sinh ra.
Những "bi kịch" vứt bỏ con
Ngày 08/6/2020, một số người dân phát hiện một cháu bé mới sinh bị bỏ rơi dưới hố gas phía sau đền Mẫu (xã Thanh Mỹ, TX Sơn Tây, Hà Nội) trong tình trạng không có quần áo mặc, 2 mắt, mũi, miệng, cơ thể đang bị dòi bọ bám dính.
Ngay sau đó, cháu bé được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây rồi chuyển xuống Bệnh viện Xanh - Pôn để cấp cứu vì bị nhiễm trùng trùng nặng, rối loạn đông máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Mặc dù được các bác sỹ ở Bệnh viện Xanh Pôn nỗ lực cứu chữa nhưng cháu bé trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, đến chiều 29/6 thì tử vong.
Cơ quan CSĐT Công an thị xã Sơn Tây sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thành (SN 1989, trú tại Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi vứt bỏ con mới đẻ.
Trước đó, nhiều người dân tại khu chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ khi phát thi thể một trẻ sơ sinh còn nguyên dây rốn tại sân chơi giữa 2 tòa HH1 và HH2.
Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân tử vong của cháu bé là do chấn thương sọ não. Trước khi tử vong, trong phổi cháu bé đã có sự lưu thông không khí, chấn thương vùng đầu, có bầm tụ máu, có phản ứng sống.
Người ném cháu bé là Đinh Thị Vân A. (21 tuổi, quê tại xã Yên Hòa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Sau khi vừa sinh xong, người phụ nữ này bỏ cháu bé vào túi ny lông đen, đặt cháu bé lên cửa sổ nhà vệ sinh rồi dùng tay đẩy xuống cửa sổ.
Gần đây nhất, ngày 18/8/2020, một cháu bé sơ sinh được người dân phát hiện bị mắc kẹt tại khe tường giữa 2 ngôi nhà trong ngõ 174 Trâu Quỳ (Thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Do khe tường quá hẹp nên một số người dân đã dùng khoan và búa để phá tường để đưa cháu bé ra ngoài. Bé trai khi được giải cứu vẫn còn nguyên dây rốn, người không mặc quần áo và được đưa vào Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cấp cứu.
Cơ quan chức năng sau đó xác định người mẹ của bé trai sơ sinh tên N.K.H. (20 tuổi, trú tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) hiện đang là sinh viên học năm thứ 2 Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Người phụ nữ này khai nhận vì có thai ngoài ý muốn, do tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến việc học nên đã giấu bạn bè và gia đình nên sau khi sinh đã vứt bỏ con.
Lối thoát nào cho những bi kịch mẹ bỏ con?
Theo các chuyên gia, sau những bi kịch vứt bỏ con ngay sau khi sinh có thể thấy hầu hết những người phụ nữ này đều phải "vượt cạn" một mình trong đau đớn, cô độc, sợ hãi, hoang mang và tuyệt vọng.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Chuyên gia xã hội học bày tỏ, những hành vi tội lỗi kia ngày càng được phát hiện, nhắc đến với cường độ nhiều hơn, câu chuyện có nhiều sự tàn nhẫn hơn. Sự phẫn nộ với dư luận cũng nhiều hơn, nhưng chủ yếu vẫn là lên án người phụ nữ.
Đã là người mẹ bỏ con thì phải bị phê phán, nhưng người đàn ông – “đồng tác giả” của tội lỗi tày đình ấy, sao lại được ít nhắc đến? Tại sao không ai hỏi những người đàn ông, người yêu, bạn trai, bạn tình của những người phụ nữ đó rằng sao họ không bảo vệ bạn gái của mình khỏi mang thai ngoài ý muốn.
Chuyên gia xã hội học này cũng cho rằng, trong vô số những lời chửi rủa cô gái này, có bao nhiêu người nhắc đến người bố của đứa trẻ tội nghiệp kia là ai? Đã có ai điều tra danh tính của người bố đó hay chưa và tại sao lại bỏ rơi người mà mình từng yêu, từng thề hẹn trong lúc các cô ấy cần họ nhất?
"Rõ ràng, có một sự định kiến giới không hề nhẹ đang đè nặng lên người phụ nữ. Lâu nay, chúng ta coi làm mẹ là một thiên chức, không thể từ bỏ, nếu từ bỏ là tội ác. Nhưng làm bố thì có vẻ “nhẹ nhàng” hơn. Có lẽ vì vậy mà đôi khi, bị gán vào “thiên chức” lại trở nên khủng khiếp với các cô gái trẻ", PGS. TS Trịnh Hòa Bình nhận định.
Trong khi đó, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, sự bất bình đẳng giới đang hiện rõ, khi cả xã hội đều chỉ lên án, dồn ánh nhìn phẫn nộ cho người phụ nữ, mà quên đi người đàn ông, người bố của đứa trẻ kia cũng là “tòng phạm”.
"Sau khi đứa trẻ ra đời, những bà mẹ khác có quyền được nghỉ ngơi một cách tự hào thì với những cô gái này hoang mang, sợ hãi và tuyệt vọng. Mà chắc chắn họ đã đau khổ sợ hãi hàng tháng trời trước đó khi người đàn ông bỏ rơi lại họ với một sinh linh đang lớn dần, nhưng không ai mong muốn...
Với thân thể còn đang mất máu vì đau đớn, vì kiệt sức và một trái tim trống rỗng vì bị phản bội, họ phải mau chóng làm một việc tày trời, hoàn toàn đơn độc", Tiến sĩ Khuất Thu Hồng chia sẻ.
Các chuyên gia tâm lý, xã hội học cũng cho rằng ngoài việc lên án hành vi vứt bỏ con của những người phụ nữ thì xã hội cũng cần tìm hiểu tại sao họ lại hành xử như vậy.
Hiện nay vẫn còn nhiều người có suy nghĩ, không chồng mà có con đồng nghĩa với người phụ nữ không có tương lai. Cuộc đời còn lại sẽ bị phủ đầy những ánh mắt khinh khi, những lời nói miệt thị và những hành động phũ phàng...
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho biết có những người phụ nữ bất đắc dĩ mang thai, làm mẹ là do bị ép buộc, bị cưỡng bức tình dục, có thai ngoài ý muốn. Nên lúc sinh ra đứa trẻ cũng là lúc người phụ nữ buộc phải lựa chọn. Vì hoảng loạn, vì sợ ai đó sẽ phát hiện, vì xã hội sẽ dèm pha…
Trong bối cảnh nhiều áp lực như thế, càng dễ xảy ra những xử sự lầm lạc, u tối. Nếu được cảm thông, được che chở, bao dung, được gia đình bạn bè động viên, bao bọc..., những người phụ nữ kia chắc chắn sẽ không lựa chọn cách giải quyết tồi tệ để rơi vào bi kịch đó.