WandaVision lột tả hoàn hảo 5 giai đoạn tâm lý của mất mát thế nào trong 8 tập phim?

Ở bom tấn truyền hình WandaVision, Marvel đã có một hành trình khai thác tâm lý sâu sắc trên nỗi đau của sự mất mát.

1. Chối bỏ

2. Giận dữ

3. Mặc cả

4. Trầm uất

5. Chấp nhận

Đó là 5 giai đoạn của sự đau buồn, mất mát. Năm 1969, nhà tâm lý học Elisabeth Kübler-Ross đã đưa ra mô hình này trong cuốn sách Về sự Chết và Hấp hối (On Death and Dying). Lý thuyết này áp dụng cho những mất mát cá nhân: mất việc, chia tay, ly dị, hay thậm chí là sự ra đi của người mình yêu thương. Hành trình tâm lý này cũng là những gì đang được thể hiện trong WandaVision - series nổi trội của vũ trụ điện ảnh Marvel đang khiến khán giả đứng ngồi không yên.

Đau đớn trước sự ra đi khốc liệt của chồng, nữ phù thủy Wanda đã tạo ra cả một thế giới riêng và đắm mình ở trong đó, quên đi thực tại. Cô bước từ sự chối từ cái chết của chồng qua tới lúc sẵn sàng chấp nhận sự thật cay đắng theo một cách rất nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng cũng vô cùng xót xa. Câu chuyện của WandaVision, cho dù nhuốm màu sắc siêu anh hùng với kỹ xảo, phép thuật chói lọi thì vẫn đậm chất “người” quá đỗi.

I. Chối bỏ - Sự níu giữ niềm hy vọng không tồn tại

Thị trấn Westview chính là bằng chứng rõ nhất cho sự chối bỏ của Wanda. Cơn đau bất chợt bùng phát đã tự tách chính nữ phù thủy ra khỏi thực tại, thiết lập một vùng đất mới nơi mọi thứ nhất mực sẽ xảy ra theo điều Wanda mong muốn. Tại nơi ấy, Wanda có lại sự ấm áp của người chồng, có những đứa con ngoan và lanh lợi, có một cuộc sống bình dị và êm thấm.

Dù chỉ là trong khoảng thời gian ngắn, Wanda từ chối tin vào thực tại. Đối diện với nỗi đau mất đi một người trân quý, điều này hoàn toàn dễ hiểu. “Không, điều ấy không thể xảy ra!”, “Chắc là có sự nhầm lẫn gì rồi”, “Kiểm tra lại được không?”, tất cả là những câu nói thường thấy của những người đang chớm chạm đến bước đầu của sự đớn đau. Chỉ trong phút giây thôi, xin hãy nói với tôi điều này không là thật. Bởi vì một khi chúng ta đã chấp nhận sự thật, thì sẽ chẳng có niềm hy vọng nào nữa.

II. Giận dữ - Cơ chế che đậy của nỗi đau

Đến tập thứ 3 và thứ 4 của WandaVision, khán giả được chứng kiến cơn thịnh nộ vô bờ của Wanda khi người hàng xóm Monica nhắc đến cái chết của anh trai cô. Một câu nói nhỏ lại bất ngờ “châm ngòi” cho sự tức giận, đến mức nữ phù thủy dùng phép thuật để thổi Monica qua 3 bức tường và bay về thế giới thực. Cơn giận của Wanda có thể khiến khán giả ngạc nhiên, thế nhưng lại hoàn toàn hợp lý.

Nếu như việc chối bỏ có thể coi là một cơ chế đối phó của tâm lý, thì sự tức giận lại là một “hiệu ứng che đậy” nhằm giấu đi nhiều cảm xúc và nỗi đau của người bị tổn thương.

Hieuthuba

Nếu như việc chối bỏ có thể coi là một cơ chế đối phó của tâm lý, thì sự tức giận lại là một “hiệu ứng che đậy” nhằm giấu đi nhiều cảm xúc và nỗi đau của người bị tổn thương. Vì lẽ đó, những đối tượng đang đi qua giai đoạn này có thể dễ trút cơn giận lên người khác. Đôi khi cơn tức giận sẽ hiện lên trong hình hài khác. Sự cay cú, oán hận có thể xuất hiện thay cho cơn cuồng nộ. Nhiều người sẽ trải qua giai đoạn này rất nhanh, nhưng cũng nhiều người khác thì mãi bị giữ chân tại vùng đất tiêu cực, đen tối này. Khi cơn giận nguôi ngoai, cũng là lúc chúng ta bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về mất mát của bản thân mình.

III. Mặc cả - Sự nuối tiếc vô nghĩa đầy ám ảnh

Wanda bắt đầu cho thấy dấu hiệu của sự mặc cả khi cô đánh bay người anh trai của mình chỉ để không bị xao nhãng. Sau đó, nữ phù thủy sử dụng toàn bộ sức lực của bản thân để mở rộng trường lực, cứu lấy Vision đang sắp chết ở rìa thị trấn. Việc Wanda sẵn sàng đánh đổi cả người anh trai của mình chỉ để cứu lấy chồng cho thấy cô đang ở giai đoạn “mặc cả” của một nỗi đau dai dẳng.

“Giá như” hay “Nếu mà” là những mẫu câu thường thấy của những tâm hồn tổn thương trong giai đoạn này. “Giá như tôi cố thêm chút nữa, anh ấy đã không nói chia tay”, “Nếu mà tôi làm khác đi, có lẽ tai nạn sẽ không xảy ra”... Những câu nói điều kiện này mặc dù chẳng còn giá trị và tác dụng, tuy nhiên sẽ luôn lởn vởn trong tâm trí những người đang quay quắt. Giá như, chỉ khác đi một chút…

IV. Trầm uất - Vùng cát lún hiểm nguy

Bắt đầu đến với tập 7, người xem được nhìn thấy một Wanda hoàn toàn khác biệt: Cô mệt mỏi, không thể suy nghĩ, năng lực vận hành mất kiểm soát và chỉ muốn ở một mình. Xuyên suốt tập phim, Wanda còn chẳng buồn quan tâm đến ngoại hình, giao trách nhiệm trông nom 2 đứa con cho hàng xóm để đổi lấy chút bình yên. Đây đều là vài triệu chứng của cơn trầm cảm. Thậm chí, đoạn quảng cáo được phim lồng vào cũng giới thiệu một loại thuốc chống trầm cảm tên Nexus. Ở WandaVision tập 7, điều người xem cảm nhận được rõ nhất có lẽ là sự u uất, mệt mỏi của chính Wanda.

Một số có thể đứng dậy và đi tiếp khỏi cơn đau, nhưng trầm cảm cũng là vùng cát lún đã kéo quá nhiều người chìm xuống đáy. Nếu bạn cảm thấy mắc kẹt và không thể tự vượt qua, hãy tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý.

Hieuthuba

Nếu như ở giai đoạn đầu của nỗi đau, tâm trí của chúng ta thường nhạy cảm và phản ứng quá đà thì đến bước này, sự tức giận đã trở nên mệt mỏi và cơn đau cũng thu mình thành âm ỉ, cay đắng hơn. Tất nhiên, mọi thứ cũng thêm phần khó khăn khi bạn cảm thấy cuộc sống thiếu đi một điều gì đó, một ai đó. Chúng ta dễ suy nghĩ đến những thứ tiêu cực, rối bời vì không biết tương lai sẽ ra sao, bản thân sẽ sống tiếp như thế nào… Một số có thể đứng dậy và đi tiếp khỏi cơn đau, nhưng trầm cảm cũng là vùng cát lún đã kéo quá nhiều người chìm xuống đáy. Nếu bạn cảm thấy mắc kẹt và không thể tự vượt qua, hãy tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý.

V. Chấp nhận - Để ta trưởng thành sau nỗi đau...

Wanda giờ đây chỉ còn nước chấp nhận sự thật cay đắng: Vision đã qua đời, và cô nên để linh hồn anh yên nghỉ thay vì tìm cách khiến người chồng quá cố sống dậy lần này qua lần khác. Bởi lẽ sớm hay muộn, trường lực xung quanh Westview cũng sẽ sụp đổ và Vision cũng chẳng thể sống sót. Việc sẵn sàng chấp nhận và bước tiếp cũng sẽ mở ra chương mới tích cực hơn cho cuộc đời của Wanda.

Bạn sẽ nhận ra những đau đớn, tức giận, phẫn uất và xót xa này đã góp phần biến bản thân bạn thành người như hôm nay.

Hieuthuba

Sự chấp nhận không có nghĩa rằng cuộc sống của bạn sẽ tươi vui hơn, nhưng tất nhiên, không nhất thiết rằng bạn phải buồn thêm nữa. Chấp nhận cũng không chứng minh rằng bạn đã vượt qua được nỗi đau này, mà thay vào đó là bạn thực sự hiểu rằng nó đã diễn ra, và từ giờ nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của bạn. Bạn sẽ nhận ra những đau đớn, tức giận, phẫn uất và xót xa này đã góp phần biến bản thân bạn thành người như hôm nay. Bạn sẽ hiểu rằng chúng ta chẳng thể đảo ngược hay quên đi quá khứ. Điều duy nhất là chấp nhận, và bước tiếp đến tương lai.

Tạm kết

Có thể coi WandaVision là bước đi đầu tiên vô cùng mạnh mẽ của Marvel trong công cuộc khai thác tâm lý, hành trình cảm xúc của nhân vật mà vốn bấy lâu nay bị coi nhẹ ở thể loại siêu anh hùng. Phù thủy Wanda giờ đây hiện lên như một người phụ nữ hùng mạnh mà cũng quá đỗi yếu ớt, vừa phi thực tế vừa quá dễ để đồng cảm và yêu thương. Bộ phim khai thác hành trình tâm lý phổ biến mà nhiều người trên thế giới đã trải qua một cách thật sự khéo léo, dễ cảm nhận.

Bạn có những tổn thương, bạn có những khiếm khuyết, bạn có điểm chưa hoàn hảo để những hành trình sau đó sẽ còn lấp đầy bằng sự trưởng thành và tia sáng tích cực. Hãy tin rằng trong cuộc đời sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn là những thứ xấu xa, tồi tệ.

Hieuthuba

Mất mát là điều đã xảy đến với nhiều người. Cùng lúc đó, nỗi đau của sự mất mát cũng vô cùng cá nhân. Chẳng có một mẫu số chung nào cả, và mỗi người lại có cách để bộc lộ cảm xúc rất riêng. Nhưng đó là điều tuyệt vời nhất làm nên chính bạn: là vì bạn khác biệt. Bạn có những tổn thương, bạn có những khiếm khuyết, bạn có điểm chưa hoàn hảo để những hành trình sau đó sẽ còn lấp đầy bằng sự trưởng thành và tia sáng tích cực. Hãy tin rằng trong cuộc đời sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn là những thứ xấu xa, tồi tệ. Chỉ mong rằng bạn sẽ luôn mạnh mẽ để vượt qua.

Nguồn ảnh: Marvel

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/wandavision-lot-ta-hoan-hao-5-giai-doan-tam-ly-cua-mat-mat-the-nao-trong-8-tap-phim-2202123212949886.htm