Washington Post: Lầu Năm Góc muốn nối lại các chương trình tuyệt mật ở Ukraine

Theo nguồn tin quan chức Mỹ, Lầu Năm Góc đang hối thúc quốc hội Mỹ tiếp tục tài trợ cho hai chương trình tuyệt mật ở Ukraine nhằm giúp do thám tốt hơn các hoạt động quân sự của Nga.

Tờ The Washington Post hôm 10-2 dẫn lời một số quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ rằng Lầu Năm Góc đang hối thúc quốc hội Mỹ nối lại tài trợ cho hai chương trình tuyệt mật ở Ukraine vốn bị đình chỉ trước xung đột Nga-Ukraine.

Nếu được chấp thuận, động thái mới trên sẽ cho phép lực lượng hoạt động đặc biệt Mỹ sử dụng các đặc vụ Ukraine để do thám những hoạt động quân sự của Nga và chống lại thông tin sai lệch.

Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: Andrew Kravchenko/AP

Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: Andrew Kravchenko/AP

Cụ thể, các quan chức Mỹ cho biết giới chức quốc phòng đang chuẩn bị một đề xuất trình quốc hội trong những tháng tới. Nếu thành công, hai chương trình tuyệt mật có thể tiếp tục ngay sau năm 2024, mặc dù hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có cho phép biệt kích Mỹ quay trở lại Ukraine để giám sát các chương trình đó hay quân đội Mỹ sẽ làm điều đó từ một nước láng giềng.

Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng nổ tháng 2-2022, không có một quân nhân Mỹ nào được triển khai ở đây, trừ một số nhỏ được giao nhiệm vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev.

Các nhà lập pháp tại quốc hội Mỹ cho hay rất khó để dự đoán kết quả về đề xuất trên của Lầu Năm Góc, đặc biệt là khi nhiều thành viên đảng Cộng hòa hiện chia rẽ về những khoản tiền lớn được chi cho Ukraine. Nhiều người lập luận rằng chi phí tương đối nhỏ của chương trình (chỉ 15 triệu USD cho các chương trình như thế trên toàn cầu) có thể được cân nhắc so với hàng chục tỉ USD viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Ngoài ra, những người chỉ trích cho rằng chương trình tuyệt mật có thể đẩy Mỹ vào một vai trò trực tiếp hơn trong cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi đó, Nga cũng có thể coi việc kích hoạt lại các chương trình này là một hành động khiêu khích và đáp trả bằng cách mở rộng phạm vi cuộc xung đột.

Tuy nhiên các quan chức quốc phòng cho biết không giống như nỗ lực viện trợ vũ khí cho Kiev, các chương trình thay thế bí mật sẽ không đóng góp trực tiếp vào khả năng chiến đấu của Ukraine bởi vì các đặc vụ tham gia hoặc những người phụ trách chương trình sẽ chỉ thực hiện các nhiệm vụ phi bạo lực, giống như họ đã làm trước khi chương trình tuyệt mật bị đình chỉ.

Tướng nghỉ hưu Mark Schwartz, người từng chỉ huy Chiến dịch đặc biệt của Washington ở châu Âu khi chương trình bắt đầu vào năm 2018, nói rằng các quan chức quân sự đang muốn khởi động lại các chương trình tuyệt mật ở Ukraine để đảm bảo những mối quan hệ khó đạt được không bị mất đi khi chiến tranh tiếp diễn.

"Khi đình chỉ những hoạt động đó vì quy mô của cuộc chiến bạn sẽ mất quyền tiếp cận và điều đó đồng nghĩa bạn sẽ mất các thông tin, nhất là thông tin tình báo, về những gì thực sự đang diễn ra trong cuộc xung đột” - ông Schwartz nhận định.

Các binh sĩ Ukraine tại một khu vực bị máy bay không người lái Nga tấn công vào tháng 10-2022. Ảnh: Heidi Levine/WASHINGTON POST

Các binh sĩ Ukraine tại một khu vực bị máy bay không người lái Nga tấn công vào tháng 10-2022. Ảnh: Heidi Levine/WASHINGTON POST

Trong nhiều năm qua, các lực lượng biệt kích Mỹ đã trả tiền cho các đơn vị quân sự và bán quân sự có chọn lọc trên khắp Trung Đông, châu Á và châu Phi, thuê họ làm “người thay thế” cho các hoạt động chống khủng bố. Các chương trình thay thế mới hơn, chẳng hạn như những chương trình được sử dụng ở Ukraine, được coi là một hình thức “chiến tranh bất quy tắc” nhằm chống lại một số đối thủ mà Washington đang trong giai đoạn cạnh tranh chứ không phải xung đột công khai.

Việc khôi phục các chương trình “chiến tranh bất đối xứng” có thể sẽ mở rộng sự can dự của Washington, trao cho quân nhân Mỹ quyền kiểm soát thực tế đối với các đặc vụ Ukraine trong vùng chiến sự.

Các cuộc tranh luận về việc nối lại các chương trình tuyệt mật ở Ukraine nổi lên trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev bất chấp sự phản đối gay gắt và đe dọa leo thang cuộc xung đột của Nga.

Những người phát ngôn của các ủy ban quân vụ Thượng viện và Hạ viện từ chối đưa ra bình luận, viện dẫn tình trạng mật của chương trình. Nhà Trắng, Lầu Năm Góc cũng từ chối bình luận.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/washington-post-lau-nam-goc-muon-noi-lai-cac-chuong-trinh-tuyet-mat-o-ukraine-post719480.html