WB: Các nước nghèo nhất thế giới 'gồng gánh' khoản nợ có nguy cơ bị vỡ
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass ngày 1/12 cho biết các nước nghèo nhất thế giới hiện nợ 62 tỷ USD hàng năm - tăng 35% so với năm ngoái, đồng thời cảnh báo điều này làm tăng nguy cơ vỡ nợ.
Phát biểu tại hội nghị Reuters NEXT ở New York, Chủ tịch WB Malpass cho biết 2/3 số nợ trên thuộc về chủ nợ Trung Quốc. Ông đã cung cấp thêm một số chi tiết về báo cáo thống kê nợ hàng năm của WB và dự kiến công bố vào tuần tới.
“Tôi lo lắng về một quy trình vỡ nợ hỗn loạn khi không có một hệ thống nào thực sự giải quyết các khoản nợ cho các nước nghèo hơn", ông Malpass nói.
Ngoài ra, ông cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng nợ nần chồng chất ở các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, vì điều này đồng nghĩa với việc có thêm nhiều nguồn vốn bị rút khỏi các nước đang phát triển. "Do đó, khi lãi suất tăng lên, nghĩa vụ nợ tăng lên đối với các nền kinh tế tiên tiến. Điều đó đòi hỏi một lượng vốn lớn từ thế giới", Chủ tịch WB nói thêm.
Ông Malpass cho biết sẽ tham gia một cuộc họp tại Trung Quốc vào tuần tới với những người đứng đầu các tổ chức quốc tế khác và chính quyền Trung Quốc để thảo luận về cách tiếp cận của nước này trong việc giảm nợ cho các nước nghèo hơn, chính sách Covid-19 cũng như tình trạng bất ổn trong lĩnh vực bất động sản và các vấn đề kinh tế khác.
"Trung Quốc là một trong những chủ nợ lớn. Vì vậy, điều rất quan trọng là Trung Quốc phải tham gia vào vấn đề này và cân nhắc xem tình hình thế giới sẽ đi về đâu, cũng như phản ứng nhanh với những việc cần làm để đạt được sự bền vững cho các quốc gia", quan chức WB nhấn mạnh.
Dự kiến Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng sẽ tham gia họp và các cuộc thảo luận sẽ tập trung nhiều vào các biện pháp xử lý nợ. Trong số những thành phần tham gia cuộc họp còn có các quan chức của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, hai trong số các nhà cho vay song phương lớn của quốc gia tỷ dân.
Theo bà Georgieva, những thay đổi đối với Khung chung G20 về tái cơ cấu nợ là cần thiết để tăng tốc xử lý nợ, đóng băng các khoản thanh toán dịch vụ nợ sau khi một quốc gia yêu cầu trợ giúp và mở quy trình cho các quốc gia có thu nhập thấp như Sri Lanka.
"Chúng tôi lo ngại nguy cơ xói mòn niềm tin vào khả năng giải quyết nợ vào thời điểm mà mức nợ tăng cao, bà Georgieva bày tỏ.
Tuy nhiên, bà cũng trấn an: “Vào thời điểm này, chúng tôi không thấy nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ hệ thống", đồng thời cho biết thêm rằng các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ không đủ lớn để gây ra một cuộc khủng hoảng đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu.