WB: Giảm tốc độ tham gia giao thông sẽ tối ưu hơn về mặt kinh tế
Theo Ngân hàng Thế giới, việc giảm tốc độ các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, sẽ tối ưu hơn về mặt kinh tế.
Theo tin từ Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức An toàn giao thông toàn cầu thuộc WB vừa công bố báo cáo phân tích việc giảm tốc độ các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đã và đang mang lại hiệu quả tích cực không chỉ trong việc cải thiện an toàn giao thông đường bộ, bảo toàn tính mạng, mà còn có nhiều lợi ích khác bao gồm thúc đẩy các hình thức giao thông bền vững, tăng hiệu suất sử dụng và thúc đẩy sự hòa nhập xã hội ở Việt Nam.
Với tiêu đề “Tai nạn giao thông đường bộ, Biến đổi khí hậu, Ô nhiễm môi trường và Tổng chi phí của tốc độ: Sáu biểu đồ nói lên tất cả”, báo cáo đã làm sáng tỏ những hiểu lầm phổ biến về tác động của tốc độ đối với an toàn giao thông đường bộ, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường cũng như chi phí đi lại.
Theo đó, dẫn chứng việc giảm tốc là một trong những cách hiệu quả nhất giúp cải thiện an toàn đường bộ. Cụ thể, nếu tốc độ phương tiện tăng lên 1% thì số người chết vì tai nạn giao thông tương ứng tăng từ 3,5-4%.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng việc áp dụng các giới hạn tốc độ thấp hơn sẽ tối ưu hơn về mặt kinh tế. Các phân tích ủng hộ việc cho phép tốc độ cao thường chỉ tập trung vào lợi ích của việc tiết kiệm thời gian di chuyển mà bỏ qua các chi phí kinh tế khác nảy sinh từ va chạm, khí thải, nhiên liệu và bảo dưỡng phương tiện.
Trong khi đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng ở các quốc gia có thu nhập cao, mức tốc độ tối ưu về kinh tế thấp hơn mong đợi và thường thấp hơn tốc độ giới hạn được công bố.
Ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhận thấy, Việt Nam đang rất cần các biện pháp can thiệp có trọng tâm và dựa trên bằng chứng để cải thiện an toàn giao thông đường bộ. Hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng báo cáo này làm cơ sở xây dựng các biện pháp có hiệu quả, đặc biệt là khi quốc gia đang cập nhật Kế hoạch hành động và Chiến lược an toàn đường bộ quốc gia.”
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, thay vì chỉ dựa vào việc thực thi đơn lẻ, sự kết hợp tổng hòa các chính sách về phương tiện, thiết kế đường bộ và giải pháp kỹ thuật sẽ cho phép đưa ra giải pháp kiểm soát tốc độ hiệu quả hơn, bền vững hơn và thường cũng khả thi hơn.
Báo cáo cũng nêu những lợi ích khác của giảm tốc trong việc thúc đẩy giao thông bền vững, như giảm tác động biến đổi khí hậu của giao thông đường bộ, tăng hiệu suất sử dụng (nhiên liệu và bảo dưỡng phương tiện), cải thiện sự hòa nhập xã hội và mức độ thân thiện với người đi bộ của hệ thống giao thông.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để cải thiện tình hình nhưng số vụ tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Năm 2018, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam ghi nhận 18.700 vụ tai nạn giao thông, làm 8.200 người chết và 14.800 người khác bị thương.
Như vậy trung bình có khoảng 22 trường hợp tử vong và 41 trường hợp bị thương do tai nạn giao thông đường bộ mỗi ngày. 82% những người thiệt mạng hoặc bị thương trên thuộc nhóm từ 15 đến 64 tuổi - là độ tuổi lao động chính trong xã hội./.