WB khuyến nghị ba cải cách chủ chốt để kinh tế Campuchia hồi phục
Giám đốc WB quốc gia, Bà Maryam Salim cho biết, WB tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với Campuchia để đánh giá quá trình hồi phục kinh tế-xã hội từ sau tác động của đại dịch COVID-19.
Theo bản báo cáo có tựa đề “Chung sống với COVID-19”, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh rằng nền kinh tế Campuchia cần có một số cải cách mạnh mẽ khi được dự báo đạt mức tăng trưởng 2,2% trong năm 2021, do bị trở ngại từ đà tăng chậm trong các ngành dịch vụ như du lịch, xây dựng và bất động sản.
Bản báo cáo cập nhật mới nhất của WB về kinh tế Campuchia cũng chỉ ra rằng các động lực tăng trưởng truyền thống, đặc biệt như dệt may, sản phẩm lữ hành, giày dép và các ngành công nghiệp lắp ráp xe đạp, cũng như nông nghiệp đang là những trụ đỡ cho quá trình hồi phục kinh tế của Campuchia.
Bất chấp sự hồi phục trong lĩnh vực xuất khẩu hàng lắp ráp và đa dạng hóa một số sản phẩm nông nghiệp, thâm hụt thương mại của Campuchia gia tăng đáng kể. Báo cáo của WB chỉ ra nguyên nhân này bắt nguồn từ xu hướng Campuchia tăng nhập khẩu một số mặt hàng, đặc biệt là vàng cho nhu cầu dự trữ.
Đánh giá chung, Giám đốc WB quốc gia Maryam Salim cho rằng về toàn cảnh, Campuchia đang chọn phương cách “chung sống với COVID-19” khi phần lớn dân số đã được tiêm chủng ngừa và Chính phủ nước này bắt đầu tái mở cửa toàn bộ các hoạt động kinh tế, trong khi vẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cần thiết.
Bà Maryam Salim cho biết, WB tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với Campuchia để đánh giá quá trình hồi phục kinh tế-xã hội từ sau tác động của đại dịch COVID-19.
Các chuyên gia WB cũng nhất trí rằng viễn cảnh kinh tế Campuchia sẽ tiếp tục hồi phục khi khá nhiều hạn chế liên quan tới đại dịch bị dỡ bỏ. Họ dự báo tăng trưởng kinh tế Campuchia năm 2022 có thể đạt 4,5%, song bất kỳ nguy cơ tái bùng phát nào dịch COVID-19 cũng có thể đặt ra nguy cơ cho tiến trình này.
Để đẩy nhanh quá trình tái hồi phục kinh tế, báo cáo của WB nhấn mạnh tới các cải cách trong các lĩnh vực chủ chốt của Campuchia, trong đó có các luật lệ và quy định kinh doanh rõ ràng trong điều kiện “chung sống với COVID-19”; triển khai và điều phối những biện pháp tài chính thúc đẩy cho sự hồi sinh của khu vực du lịch; và nhanh chóng đưa các nghị định hướng dẫn thực hiện luật đầu tư mới.
Báo cáo cũng cho rằng khi quá trình phục hồi kinh tế đang định hình, Campuchia có thể khởi động tái thiết không gian tài chính và tiếp tục giám sát chất lượng tài sản, cải thiện niềm tin trong hệ thống ngân hàng.
Các chuyên gia WB cũng cảnh báo về tác động nguy hại của đại dịch COVID-19 tới vấn đề học hành và thu nhập tương lai. Theo đó, việc đóng cửa trường học gây tác hại lớn cho hoạt động giáo dục.
Dù Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia triển khai nhiều chương trình học trực tuyến nhưng một lượng không nhỏ học sinh không thể tiếp cận được. Những học sinh “thất học” sẽ dẫn tới việc thu nhập tương lai của họ bị giảm sút trong suốt quãng đời./.