WB: Tăng trưởng khu vực Đông Á- Thái Bình Dương được dự báo đạt tốc độ 5% trong năm 2022

Xung đột tại Ukraine đang đe dọa tiến trình phục hồi không đồng bộ tại các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á- Thái Bình Dương sau cú sốc Covid-19. Tăng trưởng kinh tế khu vực được dự báo đạt tốc độ 5% trong năm 2022- giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 10/2021.

Ngày 5/4, Ngân hàng Thế giới (WB) họp báo trực tuyến ra mắt báo cáo “Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á- Thái Bình Dương: Đương đầu bão tố”. Báo cáo nhận định, những cú sốc do xung đột Ukraine- Nga gây ra kéo theo các biện pháp trừng phạt đối với Nga đang làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gia tăng căng thẳng tài chính và giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn : WB

Theo WB, những quốc gia nhập khẩu nhiên liệu quan trọng trong khu vực như Mông Cổ và Thái Lan, hoặc quốc gia nhập khẩu lương thực như các quốc đảo Thái Bình Dương đang phải chứng kiến thu nhập thực giảm. Những quốc gia có nợ lớn như Lào và Mông Cổ hoặc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Malaysia và Việt Nam đang có nguy cơ với các cú sốc về tăng trưởng và tài chính toàn cầu.

Mặc dù những quốc gia sản xuất hàng hóa hoặc có chính sách tài khóa thận trọng có thể được trang bị tốt hơn để đương đầu với những cú sốc này, tác động dội của những sự kiện này sẽ làm triển vọng tăng trưởng của hầu hết các quốc gia trong khu vực xấu đi.

Tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt tốc độ 5% trong năm 2022 — giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10/2021. Nếu tình hình toàn cầu xấu đi và các quốc gia có các chính sách ứng phó yếu ớt, tăng trưởng có thể giảm chỉ còn 4%.

Trung Quốc - quốc gia đóng góp đến 86% sản lượng của khu vực được dự báo tăng trưởng 5% theo kịch bản cơ sở và 4% theo kịch bản xấu. Sản lượng của các quốc gia còn lại trong khu vực được dự báo tăng trưởng 4,8% theo kịch bản cơ sở và 4,2% theo kịch bản xấu. Theo kịch bản xấu, sẽ có thêm 6 triệu người trong khu vực vẫn bị kẹt dưới ngưỡng nghèo ở mức 5,50 USD/ngày trong năm 2022.

Theo bà Manuela V. Ferro- Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong lúc các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương vừa bắt đầu phục hồi sau cú sốc do đại dịch gây ra, xung đột tại Ukraine lại tạo thêm áp lực cho đà tăng trưởng. Nền tảng căn bản vững chắc và chính sách lành mạnh có thể giúp khu vực chống chọi với những cơn bão này.

Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB Aaditya Mattoo nhấn mạnh rằng: “Các cú sốc diễn ra liên tiếp có nghĩa là nỗi đau kinh tế ngày càng gia tăng của người dân sẽ bị cộng hưởng bởi năng lực tài chính ngày càng hẹp của chính phủ. Phải triển khai đồng bộ các biện pháp cải cách tài khóa, tài chính và thương mại mới có thể giảm rủi ro, phục hồi tăng trưởng và giảm nghèo”.

Đưa ra giải pháp khắc phục các tác động tiêu cực trên, các chuyên gia WB khuyến nghị 4 nhóm hành động chính sách. Theo đó, thay vì kiểm soát giá cả và hỗ trợ toàn diện, cần áp dụng hỗ trợ có mục tiêu cho hộ gia đình và doanh nghiệp để vừa hạn chế nỗi đau do các cú sốc gây ra, vừa tạo dư địa đầu tư để kích thích tăng trưởng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính tại các quốc gia cần được đánh giá sức chịu đựng để giúp xác định rủi ro tiềm ẩn sau quy định cho phép gia hạn thời gian trả nợ.

Ngoài ra, Chính phủ các nước phải cách chính sách thương mại hàng hóa và đặc biệt về thương mại các ngành dịch vụ đang được bảo hộ, sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia tận dụng quá trình chuyển dịch trong thương mại toàn cầu.

Đồng thời, các quốc gia cần cải thiện kỹ năng và đẩy mạnh cạnh tranh để tăng cường năng lực và động lực áp dụng công nghệ số mới ra đời./.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/wb-tang-truong-khu-vuc-dong-a-thai-binh-duong-duoc-du-bao-dat-toc-do-5-trong-nam-2022-103019.html