WB: Tăng trưởng năng suất có vai trò quan trọng trong Chiến lược Phát triển Việt Nam

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 cần đặt trọng tâm vào tăng năng suất, dựa trên sự tích lũy cân bằng và phân bổ hiệu quả các nguồn vốn khác nhau – vốn tư nhân, vốn nhà nước, vốn nhân lực, vốn tự nhiên cũng như dựa vào đổi mới sáng tạo. Những cải cách toàn diện và sâu rộng về thể chế và thị trường sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những động lực này.

Đây là nội dung chính trong báo cáo “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 27/5. Báo cáo được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Chiến lược Phát triển Kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.

 Lễ công bố trực tuyến báo cáo “Việt Nam Năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao”. Ảnh: WB VietNam.

Lễ công bố trực tuyến báo cáo “Việt Nam Năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao”. Ảnh: WB VietNam.

Đánh giá về những thành quả đã được trong thời gian qua, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, nhưng hiện nay đất nước đang ở ngã ba đường khi các động lực tăng trưởng truyền thống đang dần suy yếu. Vì thế, để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng năng suất phải là giữ vị trí then chốt trong mô hình phát triển kinh tế thập kỷ tới. Nói cách khác, Việt Nam cần có quyết sách để không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn chất lượng hơn.

Cũng theo Báo cáo của WB, một số động lực tăng trưởng chính của Việt Nam hiện đang chậm lại. Lợi thế từ dân số vàng đang giảm đi và thương mại toàn cầu cũng đang suy giảm. Ngoài ra Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức ngày một gia tăng khác như ô nhiễm và xu thế tự động hóa. Cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể đẩy nhanh những xu hướng này. Do đó, báo cáo cho rằng để tiếp tục tăng trưởng trong một môi trường có nhiều biến động như vậy, Việt Nam cần tập trung củng cố các tài sản sản xuất, trong đó ưu tiên bốn lĩnh vực.

Thứ nhất, doanh nghiệp năng động: Theo WB, cần khuyến khích cạnh tranh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng gia nhập và rời thị trường để đảm bảo nguồn lực được đưa đến những công ty sáng tạo và hiệu quả nhất. Điều này chỉ có thể xảy ra trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp được đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính, quy định pháp lý minh bạch và được pháp luật bảo vệ.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng hiệu quả: Việt Nam đã xây dựng rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhưng hiện nay Chính phủ cần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của dịch vụ hạ tầng, đặc biệt trong việc huy động tài chính, vận hành và bảo trì.

 Tăng trưởng năng suất cần giữ vị trí then chốt trong chiến lược phát triển Việt Nam trong thập kỷ tới.

Tăng trưởng năng suất cần giữ vị trí then chốt trong chiến lược phát triển Việt Nam trong thập kỷ tới.

Thứ ba, lao động có tay nghề cao và cơ hội cho tất cả mọi người. Theo WB, Việt Nam có thứ hạng cao về giáo dục phổ thông, nhưng một mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất cần nâng cao chất lượng giáo dục đại học và các chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề.

Thứ tư, kinh tế xanh: Để phát triển bền vững, cần quản lý hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên tái tạo như đất, rừng và nước; kiểm soát ô nhiễm chặt chẽ hơn, đặc biệt ở các trung tâm đô thị lớn; giảm thiểu và thích ứng với các tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng của mình. Mục tiêu là xây dựng một nền kinh tế thị trường có thu nhập cao trong hai thập kỷ tới. Chiến lược tăng trưởng mới phải thúc đẩy thị trường để đạt phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất thông qua đẩy mạnh cạnh tranh và áp dụng thuế cùng với các công cụ về giá khác để điều chỉnh hành vi thị trường.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo, Việt Nam cần hiện đại hóa thể chế, bao gồm những quy định pháp lý có hiệu lực để tránh phát sinh thêm nhiều hạn chế trong hệ thống hiện nay. Đồng thời, phải rà soát các chính sách ưu đãi để áp dụng những chính sách hỗ trợ và đầu tư công có hiệu quả trên cơ sở lợi ích xã hội. Để có thể làm được điều này, các cơ quan, ban ngành các cấp cần có kỹ năng toàn diện và được phân cấp mạnh mẽ hơn. Do đó, một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển trong tương lai là tăng cường xây dựng năng lực hành chính, bao gồm năng lực quản trị mà hiện nay vẫn chưa hiệu quả tại Việt Nam.

Lan Hương

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanviet.news/y-kien/wb-tang-truong-nang-suat-co-vai-tro-quan-trong-trong-chien-luoc-phat-trien-viet-nam-8083.html