WB: Việt Nam cần hướng sang chính sách tài khóa nhiều hơn
iều hành kinh tế vĩ mô tái cân bằng bằng cách hướng sang chính sách tài khóa nhiều hơn; ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo cho người dân và doanh nghiệp; sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng, chống dịch trong điều kiện mới…
Đó là một số kiến nghị được các đại biểu đề xuất tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 27/9.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với các chuyên gia tham dự Tọa đàm. Ảnh: TTXVN
Nhận diện các thách thức
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở Việt Nam với diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, trong đó có các các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều lao động và có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu… đã gây tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2021, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu chưa bắt nhịp, đồng điệu với kinh tế thế giới khi dự báo tăng trưởng không đạt kế hoạch và tăng không đáng kể so với năm 2020.
Cho rằng, nhận diện các thách thức là rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự diễn đàn có những đóng góp ý kiến tâm huyết, sát thực cho Quốc hội và những thông tin này cũng là đề xuất gợi mở cho Chính phủ xây dựng, đề xuất các chính sách dài hơi hơn cho thời gian tiếp theo.
Mô hình chống dịch không thống nhất
Tại phiên thảo luận, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, chúng ta đã áp đặt mô hình “Zero COVID-19” quá dài. TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, phong tỏa cứng đất nước chỉ có thể kéo dài trong 7 ngày, nhiều nhất là 10 ngày, “không thể phong tỏa cả nửa năm trời". Theo ông Dũng, điều may mắn là Chính phủ đã bắt đầu nói về việc chuyển đổi mô hình chống dịch.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng nhấn mạnh, các địa phương vẫn rất khác nhau về mô hình chống dịch. Do áp đặt để bùng phát dịch bệnh, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, dẫn đến các giải pháp cực đoan, gây đổ vỡ hết chuỗi cung ứng.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng phát biểu tại buổi tọa đàm
Từ thực tế này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng kiến nghị Quốc hội nên tham gia tích cực hơn trong quá trình quản trị quốc gia, đặc biệt là khi có những chính sách cần điều chỉnh gấp. Ông Dũng cũng đề nghị các Ủy ban của Quốc hội cần tích cực tiến hành các phiên giải trình như: Chuyển đối cách thức phòng, chống dịch bệnh thì chuyển đổi như thế nào? Tiêm vắc xin ra sao? Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, qua giải trình, các chính sách mới mạch lạc, minh bạch được và đây là điều rất quan trọng để chúng ta vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
4 bài học để kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang
Góp ý với chủ đề “COVID-19: Kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang”- ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam- đánh giá, Việt Nam đã chuyển từ hạng sao xuống hạng dưới trung bình do tình hình y tế xấu đi, tiêm chủng chậm và yêu cầu hạn chế di chuyển nghiêm ngặt, các chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Jacquest Morisset phát biểu
Để có thể lấy lại vị trí ngôi sao của mình, chuyên gia kinh tế trưởng của WB đưa ra 4 bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Theo ông Jacques Morisset, các quốc gia có chương trình tiêm chủng tích cực hơn sẽ tăng trưởng nhanh vào năm 2021. Do đó, Việt Nam cần tăng quy mô tiêm chủng nhưng xét nghiệm vẫn là biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn đại dịch.
Ông Jacques Morisset cũng cho rằng, Việt Nam cần hạn chế di chuyển một cách thông minh hơn, qua đó giúp cân bằng sự an toàn và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Việt Nam cần tái cân bằng bằng cách hướng sang chính sách tài khóa nhiều hơn và chính sách tiền tệ ít hơn. Bởi tài khóa là công cụ mà Chính phủ chưa sử dụng nhiều nhưng lại có thể giúp kích cầu trong ngắn và trung hạn. Theo tính toán của WB, dự địa tài khóa của Việt Nam lớn hơn tất cả các nước vào năm 2020.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của WB, việc sử dụng chính sách tài khóa giúp minh bạch vì các thủ tục được Quốc hội giám sát. Trong khi đó, chính sách tiền tệ chỉ hỗ trợ tạm thời cho các doanh nghiệp, nó tương đối kém hiệu quả vì lãi suất thực rất thấp và khoảng một nửa dân số không có tài khoản ngân hàng. Mặt khác, nó làm tăng rủi ro cho khu vực tài chính (nợ xấu tăng cao) và thiếu minh bạch trong gói giải cứu do các ngân hàng cung cấp.
Cuối cùng, ông ông Jacques Morisset khuyến nghị Việt Nam cần có chương trình trợ giúp xã hội hiệu quả hơn để giảm bớt gánh nặng về kinh tế. Bởi hiện tại, mức chi của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu và thế giới nói chung.
Các đại biểu dự Tọa đàm. Ảnh: TTXVN
Sớm xây dựng chiến lược phòng, chống dịch trong điều kiện mới
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia khuyến nghị, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Cũng theo ông Cấn Văn Lực, Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn. Ngoài gói hỗ trợ 21,3 nghìn tỷ đồng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua; cần tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Cùng với các chính sách hỗ trợ, ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng các gói giảm phí, lệ phí khác nên được tính toán để gia hạn, ít nhất là đến khi Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng người lớn 70% (hết quý II năm 2021). Đồng thời, nên xem xét điều chỉnh ngân sách hỗ trợ từ cấu phần này sang cấu phần khác thiết thực hơn.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, cần sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng, chống dịch trong điều kiện mới và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “bình thường mới”, cần có các động lực tăng trưởng mới, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro như giá cả tăng, lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động...