WHO cảnh báo biến thể Omicron khiến bất bình đẳng vaccine thêm trầm trọng
Tổ chức Y tế thế giới không phản đối việc tiêm mũi tăng cường, song cơ quan này phản đối sự bất bình đẳng về vaccine.
Tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường chỉ có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 khi những người cần được bảo vệ nhất có thể tiếp cận với vaccine sớm nhất. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã khẳng định như vậy trong cuộc họp báo trực tuyến vào ngày 14/12.
Tổ chức Y tế thế giới không phản đối việc tiêm mũi tăng cường, song cơ quan này phản đối sự bất bình đẳng về vaccine: “Đó là vấn đề về mức độ ưu tiên. Thứ tự người nào sẽ nhận được vaccine trước là rất quan trọng. Việc tiêm mũi tăng cường cho các nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong thấp chỉ đơn giản là gây nguy hiểm đến tính mạng của những người có nguy cơ cao vẫn đang chờ được chủng ngừa mũi một, mũi hai bởi nguồn cung hạn chế. Mặt khác, tiêm mũi tăng cường cho những người có nguy cơ cao có thể cứu sống nhiều người hơn so với tiêm liều chính cho những người có nguy cơ thấp”.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại việc các quốc gia giàu có đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường sau khi xuất hiện biến thể Omicron sẽ lặp lại việc tích trữ vaccine, khiến tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng thêm.
Ngoài ra, người đứng đầu Tổ chức Y tế cũng cho biết hiện 77 quốc gia đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron; cảnh báo thực tế biến thể này có thể đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện. Các quốc gia không nên đánh giá thấp về biến thể này bởi chúng đang lây lan với tốc độ chưa từng được ghi nhận ở các biến thể trước đây./.