WHO cảnh báo các nước cân nhắc việc rút ngắn thời gian cách ly
WHO vẫn chưa thay đổi hướng dẫn về quy định cách ly là đối với người mắc Covid-19 có triệu chứng trong khi Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly.
Quan chức Tổ chức Y tế thế giới – WHO lên tiếng cảnh báo các nước cần cân nhắc thận trọng việc đánh đổi khi nới lỏng các quy định về cách ly đối với người nhiễm Covid-19 và người tiếp xúc gần, trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội ở nhiều khu vực trên thế giới từ sau khi xuất hiện biến thể Omicron.
Lời cảnh báo được Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan đưa ra trong ngày 29/12, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Âu, đang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 bùng phát dữ dội, với các con số cao kỷ lục kể từ đầu đại dịch.
Theo ông Mike Ryan, cho đến nay, WHO vẫn chưa thay đổi hướng dẫn về quy định cách ly là đối với người mắc Covid-19 có triệu chứng thì thời gian cách ly 10 ngày từ khi xuất hiện triệu chứng, cộng thêm 3 ngày sau khi hết triệu chứng. Đối với người mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng, hướng dẫn của WHO là cách ly 10 ngày kể từ khi có xét nghiệm dương tính.
Tuy nhiên, trong vài ngày qua, trước việc bùng nổ số ca Covid-19 khiến nhiều lao động không thể làm việc, gây ra các xáo trộn xã hội lớn, Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly với người mắc Covid-19.
Cụ thể, Tây Ban Nha rút ngắn thời gian cách ly từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, Italy hủy bỏ quy định tự cách ly với những người có tiếp xúc gần. Nhiều quốc gia khác tại châu Âu dự tính sẽ đưa ra các biện pháp tương tự, dù châu Âu hiện đang ghi nhận tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới.
Chuyên gia y tế tại các quốc gia này cho rằng, với tốc độ lây nhiễm cực kỳ nhanh của biến thể Omicron khiến số ca nhiễm bùng nổ dữ dội như hiện nay, nếu vẫn giữ các quy định cách ly dài ngày như trước, nền kinh tế các quốc gia sẽ có nguy cơ tê liệt vì thiếu lao động trong tất cả các ngành nghề.
Ông Mike Ryan nhận định, đây là thời điểm mà Chính phủ các nước phải tự đưa ra phán quyết và chấp nhận rủi ro đánh đổi giữa việc kiểm soát dịch bệnh với việc hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, quan chức hàng đầu của WHO cũng đánh giá, thời gian ủ bệnh và phát triển triệu chứng của đa số người bệnh là khoảng 6 ngày và sau 6 ngày đó, nguy cơ lan truyền virus vẫn còn nhưng thấp hơn.
Đối với diễn biến sắp tới của đại dịch Covid-19, đặc biệt khi biến thể Omicron đang dần thay thế biến thể Delta tại nhiều nước trên thế giới, ông Mike Ryan khẳng định, WHO vẫn giữ nguyên nhận định rằng đại dịch Covid-19 có thể kết thúc trong năm 2022.
“Chúng tôi đã đề cập đến việc này từ lâu nay, đó là giai đoạn dữ dội của đại dịch, gắn liền với bi kịch chết chóc và nhập viện có thể kết thúc trong năm 2022. Virus sẽ khó có thể biến mất hoàn toàn mà có lẽ sẽ dần định hình thành một bệnh truyền nhiễm ở mức độ thấp, đôi khi gây ra một số đợt bùng phát ở những thành phần dân chúng chưa tiêm vaccine. Và chúng tôi hy vọng đó sẽ là điểm kết thúc của đại dịch”- ông Mike Ryan cho biết./.