WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin của Moderna

Vắc xin phòng COVID-19 của hãng dược Moderna. Nguồn: AFP/TTXVN

* Châu Âu ghi nhận trường hợp đông máu sau khi tiêm vắc xin của Pfizer

Ngày 30/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Moderna (Mỹ) vào danh mục sử dụng khẩn cấp.

Động thái này giúp nhiều nước không thể tự đánh giá hiệu quả của vắc xin có thể tiếp cận vắc xin nhanh nhất có thể và cho phép cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX của Liên hợp quốc và các đối tác khác phân bổ vắc xin Moderna cho những nước nghèo hơn.

Đây là loại vắc xin phòng COVID-19 thứ 5 được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp, bên cạnh của Pfizer BioNTech, AstraZeneca, Janssen và Viện Serum Ấn Độ.

Trước đó, từ ngày 18/12/2020, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin của Moderna trong khi Liên minh châu Âu (EU) cấp phép loại vắc xin này từ ngày 6/1 năm nay.

WHO cho biết nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về miễn dịch (SAGE) của tổ chức này nhận định tính hiệu quả của vắc xin Moderna là 94,1%.

Moderna ngày 29/4 cho biết hãng này dự kiến sản xuất tới 3 tỉ liều vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2022.

* Ngày 29/4, hãng thông tấn Efe của Tây Ban Nha đưa tin, Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã ghi nhận thông tin về 11 trường hợp bị đông máu sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer và 2 trường hợp sau khi tiêm vắc xin của Moderna.

Mặc dù vậy, nguồn tin này cho biết EMA sẽ không mở cuộc điều tra đặc biệt vì con số nói trên quá nhỏ so với số mũi vắc xin được tiêm (60 triệu liều của Pfizer và 5 triệu liều của Pfizer). EMA sẽ tiếp tục theo dõi tình hình liên quan đến các phản ứng sau tiêm của hai loại vắc xin này.

Hiện EMA cũng đang theo dõi các thông tin tương tự liên quan đến vắc xin của Johnson & Johnson. Trước đó, hoạt động tiêm chủng tại châu Âu đã gặp nhiều trở ngại sau khi phát hiện các trường hợp bị máu đông sau khi tiêm vắc xin của hãng dược AstraZeneca.

Cũng liên quan đến vắc xin của Pfizer và Moderna, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết 2 loại vắc xin này giúp giảm nguy cơ phải nhập viện liên quan đến COVID-19 đối với người từ 65 tuổi trở lên.

Theo một nghiên cứu do CDC Mỹ công bố ngày 28/4, đối với người từ 65 tuổi trở lên "đã tiêm chủng đầy đủ" vắc xin ngừa COVID-19, nguy cơ phải nhập viện liên quan đến bệnh dịch này ít hơn 94% so với người cùng tuổi chưa tiêm vắc xin.

Trong khi đó, những người trong độ tuổi này "đã được tiêm chủng một phần" (tiêm liều thứ nhất trong liệu trình hai liều) bằng hai loại vắc xin trên cũng giảm 64% nguy cơ nhập viện so với những người chưa được tiêm.

Đánh giá của CDC Mỹ dựa trên nghiên cứu việc nhập viện của 417 người tại 2 mạng lưới bệnh viện gồm 24 bệnh viện ở 14 bang của Mỹ. Theo cơ quan này, đây là phát hiện đầu tiên trong điều kiện thực tế tại Mỹ xác nhận các dữ liệu trong thử nghiệm lâm sàng.

Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho rằng đây là kết quả đầy hứa hẹn đối với các cộng đồng dân cư và bệnh viện của Mỹ.

Theo đó, khi các nỗ lực tiêm phòng tiếp tục được tăng cường, hệ thống chăm sóc y tế sẽ không bị quá tải, nhờ đó sẽ có thêm nhân viên y tế và giường bệnh để phục vụ các bệnh nhân khác. CDC cũng kêu gọi người Mỹ từ 16 tuổi trở lên nhanh chóng đi tiêm phòng COVID-19.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255113/who-cap-phep-su-dung-khan-cap-cho-vac-xin-cua-moderna.html