WHO có thể ra cảnh báo rộng hơn về siro ho bị nhiễm độc của Johnson & Johnson
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có thể sẽ ra cảnh báo rộng hơn về sản phẩm siro do Johnson & Johnson (J&J) sản xuất, sau khi tìm thấy sản phẩm có thành phần nhiễm độc ở thị trường Nigeria.
Cụ thể, trong quá trình kiểm tra định kỳ mới nhất, cơ quan quản lý Nigeria đã thu hồi một lô siro dành cho trẻ em Benylin do phát hiện hàm lượng diethylene glycol cao. Đây là hoạt chất gây ngộ độc, cùng với một chất gây nhiễm độc khác là ethylene glycol đã được thông tin là có liên quan đến cái chết của hơn 300 trẻ em ở Cameroon, Gambia, Indonesia và Uzbekistan kể từ năm 2022.
Động thái được đưa ra mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy những sự cố này có liên quan đến đợt thu hồi mới nhất. WHO cho biết, cảnh báo về sản phẩm y tế này được đưa ra để thúc đẩy hành động của chính quyền các nước.
Được biết, lô siro Benylin bị thu hồi được J&J sản xuất tại Nam Phi vào tháng 5/2021, mặc dù Kenvue hiện đang sở hữu thương hiệu này sau khi tách khỏi J&J vào năm 2023.
Trong một tuyên bố gửi qua email vào ngày 18/4, Kenvue cho biết họ đã tiến hành kiểm tra đối với lô hàng bị cơ quan kiểm tra của Nigeria thu hồi và không phát hiện ra diethylene hoặc ethylene glycol.
Tuyên bố cũng nói thêm, Kenvue sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế và WHO, đồng thời hợp tác với Cục Quản lý và Kiểm soát thực phẩm và dược phẩm quốc gia Nigeria (NAFDAC) để đọc hiểu kết quả xét nghiệm, bao gồm xác minh tính xác thực của sản phẩm được lấy mẫu, phương pháp xét nghiệm được sử dụng và kết quả được cơ quan này báo cáo.
Kể từ khi Nigeria thu hồi sản phẩm siro, 5 quốc gia châu Phi khác gồm Kenya, Rwanda, Tanzania, Zimbabwe và Nam Phi cũng đã rút sản phẩm này khỏi kệ hàng.
Theo các chuyên gia, chất diethylene glycol gây độc cho con người khi tiêu thụ và có thể dẫn đến suy thận cấp, mặc dù chưa có báo cáo nào về tác hại trong vụ việc mới nhất.
Trong một thông tin có liên quan, trong các trường hợp nhiễm độc ghi nhận vào năm 2022, chất gây độc trong siro xuất phát từ nguyên liệu thô được các nhà sản xuất ở Ấn Độ và Indonesia sử dụng.
WHO cho biết đang hợp tác với các nhà sản xuất và cơ quan quản lý ở Nam Phi để điều tra loại siro Benylin dành cho trẻ em và có thông tin về nguồn gốc của các thành phần được sử dụng; có khả năng sản phẩm siro này bị làm giả và đang được xem xét như một giả định của cuộc điều tra.
Đầu tuần này, WHO đã gửi một cảnh báo riêng về 5 lô thành phần siro ho bị nhiễm độc được tìm thấy ở Pakistan dường như đã bị dán nhãn sai là sản phẩm của Dow Chemical.
Đây là cảnh báo đầu tiên và WHO gửi đi về tá dược - các thành phần của thuốc không phải là hoạt chất dược phẩm - chứ không phải là thành phẩm. Phát ngôn viên của WHO cho hay: “Điều quan trọng đối với WHO là phải cảnh báo các nhà sản xuất khi mua nguyên liệu phải thận trọng hơn”.
Mới đây, phát ngôn viên của Kenvue cũng nhận định, propylene glycol không phải là thành phần trong siro dành cho trẻ em Benylin.
Hiện các thông tin mới về vụ việc vẫn đang được theo dõi và cập nhật.