WHO: Ít nhất 131 ca bệnh đậu mùa khỉ ngoài châu Phi, có thể kiểm soát được đợt bùng phát
Hôm 24.5, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đã có 131 người mắc bệnh đậu mùa khỉ và 106 trường hợp nghi ngờ khác kể từ khi ca đầu tiên được báo cáo ngày 7.5 bên ngoài các quốc gia nơi bệnh thường lây lan.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuy đợt bùng phát bệnh là bất thường nhưng vẫn ở mức "có thể kiểm soát được".
WHO đang triệu tập thêm các cuộc họp để hỗ trợ các quốc gia thành viên với nhiều lời khuyên hơn về cách giải quyết tình hình.
Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh nhiễm vi rút thường nhẹ, phổ biến ở các vùng Tây và Trung Phi. Nó lây lan chủ yếu thông qua tiếp xúc gần và cho đến khi bùng phát gần đây, hiếm khi được nhìn thấy ở các khu vực khác trên thế giới. Phần lớn các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ vừa qua được báo cáo ở châu Âu.
“Chúng tôi khuyến khích tất cả các bạn tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ để xem mức độ lây truyền như thế nào và biết nó đang đi đến đâu”, Sylvie Briand, Giám đốc Quản lý Nguy cơ lây nhiễm của WHO, nói.
Bà cho biết không rõ các vụ việc là "phần nổi của tảng băng chìm" hay đỉnh điểm về sự lây truyền đã qua đi.
WHO cho biết có thể kiểm soát được đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ gần đây - Ảnh: Internet
Phát biểu trước Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) ở thành phố Geneve (Thụy Sĩ), Sylvie Briand nhắc lại quan điểm của WHO rằng không có khả năng vi rút đã đột biến nhưng nói sự lây truyền có thể được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong hành vi của con người, đặc biệt là khi nhiều người quay trở lại xã hội hóa khi các hạn chế trong đại dịch được dỡ bỏ trên toàn thế giới.
Nhiều nhưng không phải tất cả các ca bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở nam giới quan hệ tình dục đồng tính và Sylvie Briand nói rằng điều đặc biệt quan trọng là phải cố gắng ngăn chặn lây truyền qua đường tình dục.
Các triệu chứng bao gồm sốt và phát ban sần sùi đặc biệt. Có hai chủng vi rút đậu mùa khỉ: Chủng Tây Phi nhẹ hơn, đang lưu hành ở châu Âu và Bắc Mỹ, có tỷ lệ tử vong được ghi nhận là khoảng 1%; chủng Congo gây bệnh nặng hơn với tỷ lệ tử vong lên đến 10%.
Trong khi nói sự bùng phát là không bình thường, Sylvie Briand nhấn mạnh rằng nó "có thể kiểm soát được". Ngoài ra, bà nói còn có các loại vắc xin và phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ, kêu gọi các biện pháp ngăn chặn thích hợp, nghiên cứu thêm và hợp tác toàn cầu. Bà nói: “Chúng ta đừng chuyện bé xé ra to”.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết đang trong quá trình tung ra một số liều vắc xin Jynneos để sử dụng cho các ca bệnh đậu mùa khỉ.
Các quan chức CDC cho biết có hơn 1.000 liều vắc xin, được phê duyệt tại Mỹ vào năm 2019, trong kho dự trữ quốc gia và dự kiến mức đó sẽ tăng lên rất nhanh trong những tuần tới.
Do hãng dược Bavarian Nordic (Đan Mạch) sản xuất, Jynneos được phê duyệt ở Mỹ để sử dụng phòng chống bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ ở người lớn có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên.
Các quan chức nói với các phóng viên rằng có hơn 100 triệu liều vắc xin đậu mùa cũ hơn, ACAM2000, có một số tác dụng phụ đáng kể. ACAM2000 trước đây được sản xuất bởi Sanofi và bây giờ do Savingent BioSolutions sản xuất.
CDC thông báo: “Chúng tôi đang hy vọng tối đa hóa việc phân phối vắc xin cho những người mà chúng tôi biết sẽ được hưởng lợi từ nó. Đó là những người đã tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ, nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người tiếp xúc cá nhân rất gần và đặc biệt là những người có thể có nguy cơ cao mắc bệnh nặng".
Hôm 24.5, chính phủ Đức cho biết đang đánh giá các lựa chọn tiêm vắc xin, trong khi Anh đã cung cấp chúng cho một số nhân viên y tế.
Bệnh đậu mùa khỉ thường tự khỏi, nhưng một loại thuốc kháng vi rút đường uống có tên Tecovirimat đã được Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt vào đầu năm nay để điều trị bệnh đậu mùa, đậu mùa khỉ và đậu mùa bò. Tecovirimat có thể hạn chế sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Hầu hết quốc gia đều cho biết những người mắc bệnh đậu mùa khỉ nên cách ly trong 21 ngày để ngăn chặn sự lây truyền vi rút.
Bỉ là nước đầu tiên bắt buộc bệnh nhân đậu mùa khỉ phải cách ly trong 21 ngày.
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) khuyến cáo những người đã tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ nên tự cách ly 21 ngày.
Ngoài cách ly 21 ngày, những bệnh nhân hoặc ai có khả năng mắc bệnh đậu mùa khỉ được yêu cầu tránh tiếp xúc với người bị ức chế miễn dịch, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 12 tuổi.
UKHSA cho biết những đối tượng này cũng nên được tiêm vắc xin đậu mùa, lý tưởng là trong vòng 4 ngày và tối đa là 14 ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ.
CDC khuyên bệnh nhân đậu mùa khỉ nên cách ly cho đến khi hết vảy nến.
Triệu chứng đậu mùa khỉ
Theo WHO, đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày.
Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với sự kết hợp của sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết.
Theo WHO, triệu chứng sau cùng (sưng hạch bạch huyết) thường giúp các bác sĩ phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với bệnh thủy đậu hoặc đậu mùa.
Một khi bạn bị sốt, đặc điểm chính của bệnh đậu mùa khỉ là phát ban khó chịu, có xu hướng phát triển từ 1 đến 3 ngày sau đó, thường bắt đầu trên mặt, sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Các tổn thương sẽ trải qua một quá trình từ dát (tổn thương phẳng) đến sẩn (tổn thương nổi lên), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch), sau đó là mụn mủ (tổn thương chứa đầy mủ) và cuối cùng đóng vảy (tổn thương đóng vảy) trước khi rơi ra.
Chưa có trường hợp tử vong nào do đậu mùa khỉ được báo cáo.
Các cơ quan y tế ở Vương quốc Anh Anh và Pháp cho biết đậu mùa khỉ thường là "bệnh nhẹ tự khỏi". Bệnh nhân thường hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tuần.