WHO kêu gọi tăng cường khả năng tiếp cận thuốc cho người bệnh COVID-19
WHO khuyến nghị dùng các thuốc chẹn thụ thể interleukin-6 cho bệnh nhân COVID-19 và kêu gọi các nhà sản xuất cùng nhau tăng cường khả năng tiếp cận thuốc cho người bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thêm thuốc chẹn thụ thể interleukin-6, một nhóm thuốc có tác dụng cứu sống những bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng đặc biệt là khi dùng cùng với corticosteroid, vào bản cập nhật hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân gần đây. Quyết định này được dựa trên dữ liệu từ hơn 10.000 bệnh nhân tham gia vào 27 thử nghiệm lâm sàng. Đây là những loại thuốc đầu tiên được phát hiện có hiệu quả chống lại COVID-19 kể từ khi corticosteroid được WHO khuyên dùng vào tháng 9 năm 2020.
Bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng thường có hệ miễn dịch phản ứng quá mức, gây hại cho sức khỏe của bệnh nhân. Thuốc chẹn interleukin-6 - tocilizumab và sarilumab - ngăn chặn phản ứng quá mức này. Các phân tích tổng hợp cho thấy rằng ở những bệnh nhân bị bệnh nặng, sử dụng các loại thuốc này làm giảm 13% tỷ lệ tử vong so với chăm sóc tiêu chuẩn. Điều này có nghĩa cứ 1.000 bệnh nhân thì sẽ giảm đi 15 trường hợp tử vong, và cứ 1.000 bệnh nhân nặng sẽ giảm đi 28 trường hợp tử vong. Tỷ lệ thở máy ở bệnh nhân nặng giảm 28% so với chăm sóc tiêu chuẩn. Điều này nghĩa là cứ 1.000 ca cần thở máy thì nay đã ít hơn 23 ca.
Các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở 28 quốc gia đã chia sẻ dữ liệu với WHO, bao gồm cả dữ liệu chưa được công bố trước đây. Các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đã tổng hợp và phân tích dữ liệu. Với sự hỗ trợ của các đối tác quan trọng này, WHO đã có thể đưa ra khuyến cáo nhanh chóng và đáng tin cậy về việc sử dụng thuốc chẹn thụ thể interleukin-6 ở những bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch.
Những loại thuốc này mang lại hy vọng cho những bệnh nhân và gia đình đang phải chịu tác động nặng nề của COVID-19. Dù vậy, hầu hết mọi người trên thế giới vẫn chưa thể tiếp cận với các thuốc chẹn thụ thể IL-6. Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Việc phân phối vắc xin một cách không công bằng có nghĩa là người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình dễ bị nhiễm các dạng COVID-19 nghiêm trọng nhất. Vì vậy, nhu cầu lớn nhất đối với các loại thuốc này là ở các quốc gia hiện có ít khả năng tiếp cận nhất. Chúng ta phải khẩn trương thay đổi điều này.
Để tăng khả năng tiếp cận và khả năng chi trả cho các loại thuốc hiệu nghiệm này, WHO kêu gọi các nhà sản xuất giảm giá và cung ứng cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là những nơi COVID-19 đang gia tăng mạnh.
WHO cũng khuyến khích các công ty đồng ý với các thỏa thuận cấp phép tự nguyện không độc quyền, minh bạch bằng cách sử dụng nền tảng C-TAP và Nhóm Bằng sáng chế Thuốc, hoặc từ bỏ các quyền độc quyền.
Ngoài ra, WHO đã có động thái quan tâm đến việc sơ tuyển các nhà sản xuất thuốc chẹn thụ thể interleukin-6. Việc sơ tuyển các sản phẩm cải tiến và tương tự sinh học diễn ra nhằm mục đích mở rộng sự sẵn có của các sản phẩm đảm bảo chất lượng và tăng khả năng tiếp cận thuốc thông qua cạnh tranh thị trường và giảm giá để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về sức khỏe cộng đồng.
Phương Thảo
(Theo WHO 7/2021)