WHO khẳng định virus SARS-CoV-2 vẫn chưa hề suy yếu

Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới. Nguồn: AFP

* WHO muốn tiếp tục duy trì quan hệ tốt với chính quyền Mỹ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/6 khẳng định virus SARS-CoV-2 vẫn chưa suy yếu, sau khi có thông tin của một bác sĩ hàng đầu Ý cho rằng chủng virus này đã biến đổi và yếu dần.

Giám đốc bộ phận xử lý các vấn đề khẩn cấp của WHO và cũng là một chuyên gia về dịch bệnh, ông Michael Ryan cho biết virus mới sau khi xuất hiện có thể biến đổi và trở nên suy yếu hoặc đôi khi lại có thể trở nên mạnh hơn.

Theo ông, SARS-CoV-2 cho đến nay vẫn là một virus gây chết người và loài người cần thận trọng. Ông cảnh báo sự nguy hiểm khi xuất hiện ý niệm cho rằng virus đã suy yếu hơn.

Trước đó, ngày 1/6, người đứng đầu bệnh viện San Raffaele ở Milan - thủ phủ của vùng Lombardy từng là tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Ý, bác sĩ Alberto Zangrillo cho rằng virus SARS-CoV-2 đã suy yếu và Chính phủ Ý sau đó rất lưu ý thông tin này.

Theo bác sĩ Zangrillo, trên phương diện lâm sàng, virus SARS-CoV-2 đã không còn tồn tại ở Ý.

Ông cho biết các xét nghiệm tiến hành trong 10 ngày qua đã cho thấy tỉ lệ người cách ly nhiễm virus thấp hơn nhiều so với thời điểm cách đây 1 đến 2 tháng.

Chính điều này đã làm dấy lên sự hoài nghi của giới chuyên gia - những người cho rằng ông Zangrillo có thể nhầm lẫn ở tỉ lệ phát hiện cao hơn các trường hợp mắc bệnh không triệu chứng với khả năng suy yếu của chủng virus corona này.

Lý giải về nhận định của ông Zangrillo, ông Ryan cho biết ở một số trường hợp, tình trạng nặng hay nhẹ của người nhiễm virus phụ thuộc vào số lượng virus và thời gian phơi nhiễm.

Trên thực tế, điều này đã được chứng minh xảy ra trên nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa biết trường hợp virus SARS-CoV-2 có như vậy hay không.

Theo quan điểm của ông, tình hình dịch COVID-19 suy giảm là do nỗ lực của cộng đồng quốc tế thành công trong việc giảm số lượng người lây nhiễm và số ca phơi nhiễm virus. Hoặc xét trên khía cạnh khác có thể nói rằng virus có thể yếu đi bởi nhân loại đang làm tốt hơn công tác ứng phó với nó, chứ không phải bản thân virus suy yếu đi.

* Tổng Giám đốc WHO ngày 1/6 cho biết tổ chức này ghi nhận và cảm ơn những đóng góp to lớn của Mỹ trong quá khứ và mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với chính quyền Mỹ trong tương lai, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với tổ chức này vào tuần trước.

Trong phát biểu đầu tiên trước báo giới từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cắt đứt quan hệ của Mỹ với Tổ chức Y tế thế giới – WHO hôm 29/05, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lên tiếng ca ngợi những đóng góp cho tổ chức này.

Theo người đứng đầu WHO, trong nhiều thập kỷ qua thế giới đã được hưởng lợi từ những cam kết và hợp tác chặt chẽ giữa WHO với chính phủ và nhân dân Mỹ, vì thế, WHO cần dành cho nước Mỹ một lời cảm ơn.

Quan hệ giữa WHO và chính quyền Mỹ đã xấu đi nghiêm trọng từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, dù trong nhiều thập kỷ Mỹ luôn là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho tổ chức này. Chính quyền của ông Donald Trump chỉ trích gay gắt WHO và cá nhân Tổng giám đốc WHO là đã phản ứng chậm trễ và quá thiên vị Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch thời gian qua.

Hôm 16/4, ông Donald Trump đã quyết định tạm ngưng đóng góp tài chính cho WHO. Đến ngày 18/5, Tổng thống Mỹ lại gửi bức thư yêu cầu WHO phải cải tổ trong vòng 30 ngày và đến ngày 29/5, Mỹ tuyên bố rút khỏi WHO.

Đa số giới phân tích trên thế giới nhận định, dù WHO đã không làm tốt một số việc và cần thiết phải cải tổ trong thời gian tới nhưng việc chính quyền Mỹ quyết liệt với WHO có nguyên nhân chính là từ chính sách của ông Donald Trump nhằm đổ lỗi cho WHO và Trung Quốc cho việc xử lý yếu kém đại dịch COVID-19 tại nước Mỹ, khi Mỹ đang là nước có số nạn nhân tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, vượt quá 100.000 người.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+, VOV)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/240575/who-khang-dinh-virus-sars-cov-2-van-chua-he-suy-yeu.html