WHO: Không ai có thể an toàn trước biến đổi khí hậu
Số liệu của tạp chí Lancet: So với mức trung bình trong lịch sử, những người trên 65 tuổi trên thế giới đã phải trải qua thêm 3,1 tỉ ngày nắng nóng gay gắt.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, biến đổi khí hậu đã xảy ra trên phạm vi toàn cầu, gây tác động ngày càng mạnh mẽ đến mọi quốc gia và sự sống trên trái đất, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người.
Nghiên cứu mới cho thấy có tới 19% diện tích trên Trái Đất bị ảnh hưởng do nạn hạn hán nghiêm trọng trong năm 2020 và hơn 2 tỉ người trên thế giới đang đối mặt với mất an ninh lương thực.
Bà Maria Romanello, Trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định: Cứ mỗi ngày, con người trì hoãn ứng phó với biến đổi khí hậu, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Đã đến lúc nhận ra rằng, không ai có thể an toàn trước sự tác động của biến đổi khí hậu.
2 tỉ người trên thế giới đang đối mặt với mất an ninh lương thực.(Ảnh minh họa)
WHO ước tính tới năm 2030 biến đổi khí hậu có thể gây tử vong cho 38.000 người cao tuổi do nhiệt, hơn 45.000 ca tử vong do tiêu chảy ở trẻ em và thêm 336 triệu người có nguy cơ mắc sốt rét.
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, thiếu nước sinh hoạt… ảnh hưởng tới hệ thống y tế và sức khỏe con người, làm gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm và các bệnh mới nổi hoặc tái nổi như sốt xuất huyết, sốt rét…
Nắng nóng khắc nghiệt làm tăng tỉ lệ tử vong, tăng số lượng người nhập viện, đặc biệt như bệnh hô hấp, tim mạch, tiết niệu, đái tháo đường, sức khỏe tâm thần..
Nhiệt độ trung bình tăng lên làm băng tan, mực nước biển dâng, thay đổi hệ sinh thái hệ sinh vật, tăng nồng độ ô nhiễm không khí làm gia tăng tỉ lệ bệnh tim mạch, các bệnh lây truyền qua nước (dịch tả), lây truyền qua thực phẩm (nhiễm độc salmonella)… Nhiệt độ trung bình tăng lên có thể làm tăng số ca sốc nhiệt, đột quỵ và tỉ lệ tử vong.
Theo nhóm nghiên cứu, người dân tại 134 quốc gia đang đối mặt với các nạn cháy rừng với mức độ lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trước đó, trong khi thu nhập của hàng triệu nông dân và công nhân xây dựng bị giảm do số ngày nắng nóng gay gắt gia tăng.
Không chỉ vậy, tình trạng biến đối khí hậu còn tạo ra các điều kiện "lý tưởng" cho các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika, bệnh dịch tả hay sốt rét bùng phát trên quy mô lớn hơn trong nhiều thập kỉ trở lại đây, trong đó có châu Âu.
Nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, giai đoạn 2015-2020, hầu hết các khu vực trên thế giới đều hứng chịu nạn hạn hán nghiêm trọng. Nguyên nhân là bởi sự gián đoạn về vòng tuần hoàn của nước do tình trạng ấm lên toàn cầu đã rút ngắn thời kỳ tăng trưởng của cây trồng. Điều này dẫn tới sản lượng cây trồng sụt giảm, gây áp lực ngày càng lớn đối với sản xuất lương thực.
Đáng chú ý hơn, báo cáo còn cảnh báo gần 75% quốc gia tham gia khảo sát cho biết không đủ khả năng thực hiện chiến lược tổng thể về khí hậu và sức khỏe.