WHO khuyến cáo thế giới về đại dịch tiếp theo
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nhân loại cần chuẩn bị kỹ càng hơn cho đại dịch tiếp theo bằng cách đầu tư hơn vào sức khỏe cộng đồng.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Đây chưa phải là đại dịch cuối cùng. Lịch sử dạy chúng ta rằng dịch bệnh và các đợt bùng phát là một thực tế của cuộc sống. Nhưng khi đại dịch tiếp theo xảy đến, thế giới phải sẵn sàng hơn so với lần này. Những năm gần đây, nhiều nước đã có những tiến bộ vượt bậc về y khoa, nhưng nhiều nước sao lãng hệ thống y tế cộng đồng cơ bản vốn là nền tảng để ứng phó với các ổ dịch truyền nhiễm".
Theo các chuyên gia, đại dịch mới vẫn có thể bắt nguồn từ động vật.
WHO cho biết trong hơn ba thập kỷ, hơn 30 loại vi khuẩn, virus có khả năng lây nhiễm sang người được phát hiện. Mỗi năm, có khoảng một tỷ ca bệnh và hàng triệu trường hợp tử vong do các bệnh bắt nguồn từ động vật.
Covid-19 có thể là điều hiếm thấy.
Song, giới khoa học nhận định tốc độ phát triển của các mầm bệnh bắt nguồn từ động vật đang tăng nhanh một cách đáng sợ, kể từ khi hoạt động săn bắt và tiêu thụ sản phẩm hoang dã trở nên phổ biến hơn.
Tiến sĩ Tracey McNamara, giáo sư bệnh học tại đại học Khoa học Sức khỏe Western, đại học Thú y, cho rằng: "Thời gian giữa các đợt bùng phát dịch ngày càng ngắn lại".
Cũng trong buổi họp, WHO cho biết đang làm việc với Trung Quốc để tiến đến phê duyệt vaccine Covid-19.
"Văn phòng của WHO tại Trung Quốc và trụ sở WHO đang phối hợp với các cơ quan quản lý Trung Quốc. Chúng tôi đang liên lạc trực tiếp, đã chia sẻ thông tin và các yêu cầu để được quốc tế phê duyệt vaccine", trợ lý tổng giám đốc WHO phát biểu.
Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 150 loại vaccine đang trong giai đoạn phát triển. Trong đó, 9 "ứng viên" đã tiến đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, ba loại được phê duyệt khẩn cấp cho những người ở tuyến đầu chống dịch.
Theo thống kê của Đại học John Hopkins, tính đến ngày 8/9, hơn 27 triệu người đã nhiễm nCoV, gần 90.000 bệnh nhân tử vong.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là các vùng dịch lớn nhất thế giới. Covid-19 cũng có xu hướng quay trở lại ở các nước như Tây Ban Nha và Hàn Quốc.
Ngày 8/9, Tây Ban Nha trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu vượt mốc nửa triệu ca mắc. Các chuyên gia dịch bệnh Mỹ đang theo dõi sát tốc độ lây nhiễm trong một vài tuần tới sau kỳ nghĩ lễ cuối mùa Hè và sau khi học sinh trở lại lớp học.
Ông Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO cho biết dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát trở lại, các ca mắc lẻ tẻ có thể biến thành cụm lây nhiễm và cụm lây nhiễm biến thành lây nhiễm cộng đồng.
Trang Dung (Nguồn Le Monde)