WHO khuyến nghị 2 loại thuốc mới để điều trị COVID-19
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa khuyến nghị hai loại thuốc mới là baricitinib và sotrovimab điều trị COVID-19, cung cấp thêm nhiều lựa chọn để điều trị căn bệnh này.
1. Baricitinib, chất ức chế Janus kinase (JAK) điều trị COVID-19
Theo đó, thuốc đầu tiên là baricitinib, được WHO khuyến nghị dùng cho những bệnh nhân bị COVID-19 nặng hoặc nguy kịch. Đây là thuốc thuộc nhóm chất ức chế Janus kinase (JAK) để ngăn chặn sự kích thích quá mức của hệ thống miễn dịch. Baricitinib được sử dụng với corticosteroid.
Những bệnh nhân bị bệnh nặng hoặc nghiêm trọng với COVID-19 thường bị phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch, có thể rất nguy hại cho sức khỏe của bệnh nhân. Thuốc giúp ngăn chặn phản ứng miễn dịch quá mức này.
2. Sotrovimab, kháng thể đơn dòng
Thuốc thứ 2 là sotrovimab, một kháng thể đơn dòng. WHO cũng đã khuyến nghị có điều kiện việc sử dụng sotrovimab, để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ hoặc trung bình ở những bệnh nhân có nguy cơ nhập viện cao. Điều này bao gồm những bệnh nhân lớn tuổi, suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh cơ bản như tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì và những bệnh nhân chưa được tiêm chủng.
Đây là bản cập nhật thứ 8 về hướng dẫn điều trị COVID-19 của WHO.
WHO đang thảo luận với các nhà sản xuất để đảm bảo khả năng cung cấp toàn cầu và khả năng tiếp cận công bằng và bền vững đối với các phương pháp điều trị mới được khuyến nghị.
Chương trình Hợp tác tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) đã và đang hợp tác với các công ty dược phẩm để tìm kiếm các kế hoạch tiếp cận toàn diện cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, để các phương pháp điều trị này có thể được triển khai nhanh chóng ở mọi nơi, không chỉ ở các quốc gia giàu có. ACT-A cũng đang tìm cách mở rộng phạm vi cấp phép để làm cho các sản phẩm có giá cả phải chăng hơn.
Hai loại thuốc mới được khuyến nghị - baricitinib và sotrovimab - đã được tham gia sơ tuyển của WHO, nhằm đánh giá chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của các sản phẩm y tế ưu tiên nhằm tăng cường khả năng tiếp cận ở các nước có thu nhập thấp hơn.
Mời độc giả xem thêm video:
Bích Ngọc