WHO khuyến nghị Việt Nam cần cấm thuốc lá điện tử và tăng thuế thuốc lá

Mỗi năm, toàn cầu có tới 8 triệu người tử vong do liên quan tới sử dụng thuốc lá. Trong khi đó, tại Việt Nam, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm.

Ngày 26-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) với chủ đề "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá" và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-5 tới 31-5.

 TS Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện

TS Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Tại sự kiện, TS Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đã đưa ra 2 khuyến nghị là cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tăng thuế thuốc lá sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của chương trình sức khỏe và các cam kết quốc tế đối với các mục tiêu phát triển bền vững.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại mít tinh

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại mít tinh

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, sử dụng các sản phẩm thuốc lá kể cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế. WHO ước tính, mỗi năm, toàn cầu có hơn 8 triệu ca tử vong có nguyên nhân liên quan đến sử dụng thuốc lá. Đối với nước ta, nghiên cứu của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam cho thấy, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm.

 Bộ trưởng Đào Hồng Lan và các đại biểu đạp xe diễu hành cổ động phòng chống tác hại thuốc lá

Bộ trưởng Đào Hồng Lan và các đại biểu đạp xe diễu hành cổ động phòng chống tác hại thuốc lá

Hiện nay, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên nước ta đã giảm nhiều, trong đó ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019; ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. “Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đặc biệt là giới trẻ, ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023", Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo và cho rằng, ngành công nghiệp thuốc lá phải ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe.

MINH KHANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/who-khuyen-nghi-viet-nam-can-cam-thuoc-la-dien-tu-va-tang-thue-thuoc-la-post741681.html