WHO lạc quan một cách thận trọng về biến thể Omicron
Đại dịch hoành hành trên thế giới hơn 2 năm qua đang bước vào một 'giai đoạn mới' và sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron có thể giúp chuẩn bị cho sự trở lại của trạng thái bình thường trong những tháng tới.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết: "Đại dịch còn lâu mới chấm dứt, nhưng tôi hy vọng chúng ta có thể chấm dứt giai đoạn khẩn cấp trong năm 2022 và giải quyết các mối đe dọa y tế khác mà chúng ta phải khẩn trương chú ý".
Ông cũng cho biết rất nhiều người cần tiêm ngừa Covid-19 vẫn chưa tiêm chủng. Điều này đang khiến sự lây lan gia tăng, kéo dài dịch bệnh và tăng nguy cơ biến thể mới xuất hiện. Ông Kluge cảnh báo khi nhiều người trên thế giới vẫn chưa tiêm ngừa Covid-19 thì vẫn còn quá sớm để các quốc gia hạ mức cảnh giác trước sự tấn công của dịch bệnh.
Ông Kluge cho rằng giữa tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên thông qua nhiễm virus, "Omicron mang đến hy vọng về sự ổn định và trạng thái bình thường". Tuy nhiên, câu hỏi vẫn cần được giải đáp là trạng thái bình thường sẽ như thế nào và nó sẽ kéo dài bao lâu.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus đưa ra đánh giá thận trọng hơn, đồng thời nhấn mạnh rủi ro mà các biến thể mới có thể gây ra trong tương lai.
"Thật nguy hiểm khi cho rằng Omicron sẽ là biến thể cuối cùng hoặc chúng ta đang trong giai đoạn cuối cùng của đại dịch", ông Ghebreyesus phát biểu ý kiến trong một cuộc họp của WHO ngày 24/1. Ông nhấn mạnh: "Ngược lại, trên toàn cầu đang tồn tại các điều kiện lý tưởng để các biến thể mới xuất hiện".
Ông Anthony Fauci, cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden về đại dịch, đánh giá dù Omicron đang lây lan tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhưng hy vọng rằng sự lây lan của nó sẽ không gây gián đoạn các hoạt động xã hội như các biến thể trước đó đã làm. Ông Fauci cũng thận trọng về nguy cơ biến thể mới sẽ xuất hiện trong tương lai: "Tôi không nói rằng điều này (biến thể mới xuất hiện) sẽ xảy ra, nhưng chúng ta phải chuẩn bị ứng phó".
Tại châu Âu, Omicron đang lây lan trên khắp khu vực Đông Âu và Trung Âu, trong đó có nhiều nước ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng chậm đáng lo ngại. Tại các quốc gia theo đuổi chính sách "zero Covid" và thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt ở châu Á, đường đi mà Omicron sẽ vẽ trên biểu đồ vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, sự lây lan sâu rộng của Omicron cũng khiến các nhà chức trách y tế cộng đồng phải lạc quan một cách thận trọng.
Trong bối cảnh có nhiều nghiên cứu cho rằng Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn và các loại vaccine vẫn có tác dụng bảo vệ người bệnh tránh rơi vào tình trạng tồi tệ nhất, nhiều chuyên gia y tế cộng đồng khuyến cáo không nên chú ý quá nhiều vào số ca mắc, mà cần tập trung nhiều hơn vào số ca nhập viện trong giai đoạn đỉnh dịch.
Theo Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu và WHO, vaccine ngừa Covid-19 đã cứu sống gần 470 nghìn người từ 60 tuổi trở lên tại 33 quốc gia của "lục địa già" từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021.