WHO: Mỹ cắt viện trợ có thể làm gia tăng áp lực ứng phó khủng hoảng nhân đạo toàn cầu
Giới chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt, giảm viện trợ nước ngoài có thể làm gia tăng áp lực ứng phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn ngày một trầm trọng trên thế giới.
Phát biểu trước báo giới hôm 20/4, bà Hanan Balkhy – Giám đốc Khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – đánh giá WHO và các đối tác đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các hệ thống chăm sóc sức khỏe; đào tạo, triển khai các đội y tế khẩn cấp; mua sắm, cung cấp thiết bị y tế…

Người dân Sudan phải di dời do xung đột vũ trang. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Tuy nhiên, những hoạt động này đang chịu ảnh hưởng từ việc Mỹ “đóng băng” nguồn viện trợ. Do thiếu hụt tài chính, nhiều chương trình của WHO đã phải dừng hoạt động hoặc khó hoạt động tiếp trong tương lai. Bà Balkhy nhấn mạnh các cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza, Sudan và Yemen là nơi chịu áp lực viện trợ mạnh mẽ, trong khi khó khăn ngân sách ảnh hưởng tới khả năng giám sát, phát hiện dịch bệnh trong cộng đồng.
Bà Balkhy cũng cảnh báo nếu Mỹ rút khỏi WHO thì các mối liên hệ lâu đời của WHO với các cơ sở nghiên cứu, tổ chức y tế hàng đầu ở Mỹ sẽ bị suy yếu; từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động chia sẻ thông tin, nghiên cứu vốn đóng vai trò then chốt trong ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế công cộng toàn cầu.
Mỹ vốn là quốc gia tài trợ lớn nhất cho WHO. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền tháng 1/2025, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã cắt giảm mạnh các khoản viện trợ nước ngoài, giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và tuyên bố sẽ rời WHO vào năm 2026. Năm 2024, Mỹ không đóng góp tài chính cho WHO theo quy định và chưa rõ liệu Mỹ có thực hiện nghĩa vụ trong năm 2025 hay không.