WHO: Người dân cần hết sức cảnh giác với dịch bệnh COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người, tác động mạnh tới các nền kinh tế và làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày của người dân trên thế giới.
Người dân đang trở nên mệt mỏi với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song vẫn cần phải cảnh giác và thận trọng trong bối cảnh thế giới vẫn đang chờ một loại vắcxin tiềm năng có thể phòng bệnh hiệu quả.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra nhận định trên ngày 12/11.
Phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Paris, Tổng Giám đốc Ghebreyesus nêu rõ đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người, tác động mạnh tới các nền kinh tế và làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày của người dân trên thế giới.
Ông nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bào chế thành công một loại vắcxin hiệu quả, song cũng không thể trông đợi hoàn toàn vào vắcxin. Chính vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, tuân thủ nghiêm các hướng dẫn phòng bệnh. Bên cạnh đó, người đứng đầu WHO cũng kêu gọi cần chia sẻ vắcxin phòng COVID-19 với các nước nghèo.
Cùng ngày, Viện Serum của Ấn Độ (SII) thông báo đã cùng với Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR) hoàn tất thử nghiệm giai đoạn ba đối với vắcxin COVISHIELD phòng bệnh COVID-19.
Trong một tuyên bố, SII khẳng định COVISHIELD là giải pháp thiết thực để khống chế dịch COVID-19. Theo SII, hiện nhà sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới này đã sản xuất được 40 triệu liều vắcxin phòng COVID-19.
SII vẫn đang hợp tác thêm với ICMR để thử nghiệm lâm sàng vắcxin COVOVAX, được Novanax phát triển và SII nâng cấp.
Cũng trong ngày 12/11, Công ty Công nghệ sinh học CureVac của Đức cho biết vẫn đang thảo luận với các công ty dược phẩm lớn để tìm đối tác tiềm năng thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19.
Phát biểu với báo giới, Giám đốc điều hành CureVac Franz-Werner Haas khẳng định đang tìm kiếm đối tác có thể hỗ trợ công ty này trong việc thử nghiệm vắcxin.
Tập đoàn đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba vắcxin phòng COVID-19, với khoảng 36.000 người tham gia để xem liệu vắcxin có thể ngăn chặn được sự lây nhiễm hay không. CureVac dự kiến sẽ sản xuất 300-400 triệu liều vắcxin trong năm 2021./.