WHO nỗ lực đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn sau khi Mỹ ngừng viện trợ
Ngày 15/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ ngừng tài trợ cho WHO.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, phát biểu tại họp báo trực tuyến, ông Tedros bày tỏ mong muốn Mỹ sẽ tiếp tục là một nước tài trợ chính cho WHO, nhấn mạnh cam kết của tổ chức này trong việc phục vụ người dân trên toàn thế giới, cũng như đảm bảo sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả. Ông cho biết hoạt động ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của WHO sẽ được các nước thành viên của tổ chức này cũng như các cơ quan độc lập đánh giá để đảm bảo tính minh bạch và xác định trách nhiệm rõ ràng.
Trước mắt, WHO sẽ có đánh giá về mức độ ảnh hưởng tới hoạt động của mình sau khi Mỹ ngừng viện trợ, đồng thời cố gắng đảm bảo các hoạt động không bị gián đoạn. Tổng Giám đốc WHO cũng nói thêm rằng virus SARS-CoV-2 gầy bệnh COVID-19 không phân biệt các quốc gia giàu hay nghèo, nhỏ hay lớn, cũng như không phân biệt quốc tịch hay chủng tộc. Theo ông, đây là lúc tất cả các nước trên toàn thế giới phải đoàn kết trong cuộc chiến chống lại kẻ thù nguy hiểm chung COVID-19.
Trước đó, ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Washington sẽ đóng băng các khoản hỗ trợ tài chính cho WHO trong khi tiến hành đánh giá xem liệu tổ chức này có che đậy thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 và có thiếu sót nghiêm trọng trong ứng phó với dịch bệnh hay không.
Phản ứng với quyết định này của chính quyền, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng chấm dứt tài trợ trong khi WHO đang dẫn đầu cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch COVID-19 là một việc làm vô nghĩa. Bà khẳng định các nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ tìm cách "phản công" lại quyết định này của Tổng thống Trump. Theo Chủ tịch Hạ viện Pelosi, Mỹ chỉ có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch bệnh khi phối hợp với các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ (USCC) cũng nhận định quyết định của Tổng thống Trump không phục vụ lợi ích cao nhất của đất nước. Ông Myron Brilliant, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của USCC, nêu rõ cơ quan này ủng hộ một WHO được cải cách và hoạt động hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh vai trò lãnh đạo cũng như tham gia của Mỹ là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của tổ chức này trong tương lai. WHO hiện giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia khác - đặc biệt là ở các nước đang phát triển - ứng phó với dịch bệnh.
Cùng với USCC, Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng nhận định quyết định của Tổng thống Trump là một bước đi nguy hiểm sai hướng, đồng thời thúc giục ông xem xét lại vấn đề này.
Trong khi đó, chính phủ nhiều nước trên thế giới tuyên bố tiếp tục tài trợ các hoạt động của WHO.
Ngày 15/4, nội các Phần Lan đã quyết định nâng mức tài trợ cho WHO lên 5,5 triệu euro (tương đương 6 triệu USD), tương đương với mức của năm 2015.
Australia cũng tuyên bố sẽ tiếp tục tài trợ cho WHO, nhưng đồng thời cho rằng tổ chức này đã phạm phải những sai lầm đáng tiếc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ngày 16/4, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cho biết là một nước thành viên, Australia sẽ tiếp tục hối thúc WTO cải cách.
Trước đó, giới chức Australia đã từng cảnh báo WHO về việc tán thành quyết định mở cửa trở lại thị trường buôn bán động vật hoang dã của Trung Quốc và cho rằng đây chính là nguồn gốc gây ra đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác như Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp SARS và H1N1.