WHO sẽ đánh giá nhanh hiệu quả điều trị COVID-19 bằng thuốc sốt rét

Thuốc sốt rét hydroxychloroquine - Ảnh: The Indian Express

* Cảnh báo về ảnh hưởng của COVID-19 đối với sức khỏe trong mùa hè

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/5 đã cam kết sẽ tiến hành đánh giá nhanh dữ liệu về thuốc sốt rét hydroxychloroquine sau khi có nhiều quan ngại về sự an toàn của loại thuốc này khiến WHO phải dừng thử nghiệm thuốc trên quy mô lớn với bệnh nhân COVID-19.

Thông báo của WHO cho biết sẽ công bố đánh giá về mức độ nguy hại, lợi ích hoặc thiếu sót của thuốc sốt rét trong điều trị COVID-19, có thể vào giữa tháng 6 tới. Trước đó, WHO cũng quyết định dừng chương trình thử nghiệm thuốc này đối với hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 ở 17 quốc gia.

Những bệnh nhân mới đăng ký chương trình sẽ được chuyển phác đồ điều trị khác, trong đó có cả thuốc kháng virus Remdesivir mà Anh vừa công bố tiếp tục thử nghiệm lâm sàng sau khi bước đầu đạt kết quả khả quan. WHO cũng cho biết sẽ đánh giá cả những nghiên cứu khác về hiệu quả của thuốc sốt rét trong điều trị COVID-19.

Hôm 25/5, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học The Lancet của Anh đã phát hiện bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên để dùng hydroxychloroquine (HCQ) có tỉ lệ tử vong cao hơn và tần số nhịp tim không đều cao hơn so với các bệnh nhân sử dụng phác đồ khác trong điều trị bệnh COVID-19.

Trong diễn biến khác, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 26/5 cảnh báo dịch COVID-19 sẽ làm tăng những nguy cơ do thời tiết nóng bức của mùa hè đối với sức khỏe con người tại Bắc bán cầu.

Theo WMO, chính phủ các nước cần lên các kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong các đợt nắng nóng của mùa hè mà không làm lây lan dịch bệnh. Năm nay theo dự báo sẽ là mùa nắng nóng phá kỷ lục mới ở Bắc bán cầu.

Thế giới hiện đang trải qua một trong những năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay và dịch COVID-19 sẽ làm tăng những rủi ro do tình trạng thời tiết này gây ra đối với sức khỏe của nhiều người, đồng thời gây khó khăn cho công tác ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Cũng theo WMO, để ứng phó với tình hình trên, tổ chức này đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ (NGO) để hối thúc các quốc gia ở Bắc bán cầu chuẩn bị kỹ càng hơn nhằm đảm an toàn cho người dân trong mùa nắng nóng và không để dịch bệnh lây lan.

Ngoài ra, WMO cũng sẽ cung cấp cho chính phủ các nước một loạt các thông tin về những vấn đề như hỗ trợ thở, những người dễ bị ảnh hưởng do nắng nóng và thiết bị bảo hộ cá nhân để giúp họ ứng phó một cách hiệu quả với các đợt nắng nóng và cả dịch COVID-19.

Cùng ngày 26/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Viện nghiên cứu sinh học chuyên ngành của bộ này đang tham gia phát triển loại vắcxin thử nghiệm phòng ngừa bệnh COVID-19 và dự kiến hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng vào cuối tháng 7.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bộ trưởng Shoigu nêu rõ: "Viện nghiên cứu trung ương số 48 về bảo vệ hạt nhân, sinh học và hóa học cho binh sĩ thuộc Bộ Quốc phòng Nga, hợp tác với Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học mang tên Gamaley thuộc Bộ Y tế Nga, đang phát triển loại vắcxin tái tổ hợp chống nhiễm virus SARS-CoV-2”.

"Hiện các chuyên gia của viện đang hoàn tất các nghiên cứu tiền lâm sàng mẫu vắcxin thử nghiệm - chúng sẽ hoàn thành vào ngày 1/6”. Ông Shoigu cho biết thêm các thử nghiệm lâm sàng vắcxin dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 7.

Đề cập đến tình hình dịch COVID-19 trong lực lượng vũ trang Nga, ông Shoigu cho biết quân đội đã qua đỉnh dịch vào nửa cuối tháng 4. Kể từ đầu tháng 3, tổng cộng có 5.500 thành viên quân đội mắc bệnh. Đến nay, 3.500 người đã khỏi bệnh và xuất viện, lực lượng vũ trang Nga sẽ trở lại trạng thái bình thường vào đầu tháng 6.

Bộ trưởng Shoigu khẳng định dịch bệnh không làm "giảm sức chiến đấu" của quân đội Nga hay ảnh hưởng đến hoạt động huấn luyện chiến đấu theo kế hoạch.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/240313/who-se-danh-gia-nhanh-hieu-qua-dieu-tri-covid-19-bang-thuoc-sot-ret.html