WHO thử nghiệm 3 thuốc điều trị COVID-19 tiềm năng, 52 nước tham gia

Thử nghiệm dự kiến có sự tham gia của 2.000 nhà nghiên cứu, 14.200 tình nguyện viên là bệnh nhân COVID-19 thể nặng tại 52 quốc gia.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 11-8 thông báo kế hoạch thử nghiệm ba loại thuốc chống viêm có tiềm năng điều trị COVID-19, hãng tin Reuters cho hay.

“Những liệu pháp này - Artesunate, Imetinib và Infliximab - được một hội đồng chuyên gia độc lập lựa chọn với tiềm năng giảm nguy cở tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 nằm viện” - WHO viết trong thông cáo về chương trình thử nghiệm liệu pháp điều trị COVID-19 mang tên “Solidarity PLUS”.

Chương trình “Solidarity PLUS” dự kiến cần 14.200 bệnh nhân COVID-19 thể nặng tại 600 bệnh viện ở 52 quốc gia. Khoảng 2.000 nhà nghiên cứu sẽ tham gia chương trình thử nghiệm này. Thái Lan, Hà Lan và Uganda đã thể hiện sự quan tâm tới việc tham gia thử nghiệm bốn loại thuốc trên.

Logo Tổ chức Y tế thế giới bên ngoài trụ sở cơ quan này tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: REUTERS

Logo Tổ chức Y tế thế giới bên ngoài trụ sở cơ quan này tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: REUTERS

Thuốc Artesunate đã được dùng trong điều trị sốt rét, Imatinib được chỉ định cho bệnh nhân mắc một số loại ung thư trong khi Infliximab giúp điều trị viêm ruột xuyên thành mãn tính (bệnh Crohn) và viêm khớp dạng thấp.

Trong thử nghiệm “Solidarity PLUS”, WHO sẽ Artesunate do hãng dược Ấn Độ Ipca sản xuất sẽ được nghiên cứu ở mức liều tiêu chuẩn đã được áp dụng cho bệnh nhân sốt rét nặng. Trong giai đoạn thử nghiệm, các bệnh nhân COVID-19 sẽ dùng Artesunate dạng tiêm tĩnh mạch trong bảy ngày.

Imatinib - sản phẩm của hãng dược Novartis (có trụ sở tại Thụy Sĩ) - được dùng trong thử nghiệm lần này là sản phẩm viên uống và bệnh nhân COVID-19 sẽ dùng trong 14 ngày, mỗi ngày một lần.

Infliximab của hãng dược Mỹ Johnson&Johnson được thử nghiệm trên bệnh nhân COVID-19 ở dạng tiêm tĩnh mạch với một liều duy nhất tương đương mức liều tiêu chuẩn đối với người mắc bệnh Crohn.

Chương trình thử nghiệm “Solidarity” được WHO khởi động năm ngoài để đánh giá tác động của bốn loại thuốc Remdesivir, Hydroxychloroquine, Lopinavir/Ritonavir và Interferon đối với bệnh nhân COVID-19.

Theo WHO, các thử nghiệm tới thời điểm này đều cho thấy bốn loại thuốc trên có ít hoặc không có tác dụng điều trị COVID-19. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều nước khác đã cấp phép sử dụng Remdesivir để điều trị COVID-19 nhưng giới hạn thuốc chỉ được sử dụng trong bệnh viện.

Hai liệu pháp khác là điều trị bằng Corticosteroid (thường có tác dụng chống viêm) hoặc thuốc miễn dịch interleukin-6 được WHO xác nhận giúp giảm tình trạng bệnh nặng hoặc nguy kịch ở bệnh nhân COVID-19 nhưng chỉ dùng trong bệnh viện.

Sau hơn một năm rưỡi hoành hành, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 4.33.615 người, theo chuyên trang thống kê worldometers.info. Tổng số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt con số 205,5 triệu.

HOÀN ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/who-thu-nghiem-3-thuoc-dieu-tri-covid19-tiem-nang-52-nuoc-tham-gia-1007643.html