WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Ngày 23-7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, đây là mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO có thể đưa ra.
Tổng giám đốc WHO đã tổ chức một buổi họp cùng hội đồng cố vấn để đưa ra quyết định này. Ông Tedros nêu rõ: "Tôi đã quyết định rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu lần này là một tình trạng khẩn cấp y tế gây quan ngại quốc tế". Tổng giám đốc WHO bày tỏ tin tưởng, với những công cụ hiện có, thế giới có thể kiểm soát dịch bệnh bùng phát và ngăn chặn sự lây nhiễm.
Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu được WHO định nghĩa như một "sự kiện bất thường", "tạo thành mối nguy hại đến sức khỏe cho các quốc gia thông qua sự lây lan của bệnh tật quốc tế", yêu cầu các "phản ứng phối hợp" từ nhiều quốc gia. "Đợt bùng phát đến nay đã lan nhanh khắp thế giới, thông qua phương thức lây truyền mới mà chúng ta còn hiểu biết quá ít", ông Tedros cho biết. Theo ông Tedros đã có hơn 16.000 ca nhiễm đậu mùa khỉ được ghi nhận ở hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 5 ca tử vong.
Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan cho biết, việc đưa ra quyết định bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu để đảm bảo cộng đồng quốc tế quan tâm tới các đợt bùng phát hiện nay một cách nghiêm túc, đầu tư thêm nguồn lực vào việc kiểm soát đợt bùng phát trước mắt, bổ sung kinh phí nhằm chia sẻ vaccine, phương pháp điều trị. Do đó, tuyên bố khẩn cấp của WHO có thể giúp các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới có sẵn quỹ để mua vaccine cũng như tiến hành các hoạt động khác ngăn chặn dịch bệnh bùng phát ở cả phương Tây và châu Phi.
Tại cuộc họp vào cuối tháng 6, WHO kết luận mối đe dọa từ đậu mùa khỉ ngày càng tăng, tuy nhiên vẫn chưa phải tình trạng khẩn cấp quốc tế. Nhiều chuyên gia cho rằng động thái này là thận trọng quá mức. Theo tiến sĩ Boghuma Titanji, bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory, tuyên bố mới của WHO là "muộn còn hơn không". Tiến sĩ James Lawler, đồng giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu của Đại học Nebraska, ước tính thế giới cần ít nhất một năm để kiểm soát đợt bùng phát. Trong thời gian đó, virus có thể đã lây nhiễm cho hàng trăm nghìn người và có thể tồn tại vĩnh viễn tại một số quốc gia. Đợt bùng phát càng kéo dài, khả năng virus lây truyền ngược từ người về quần thể động vật càng cao. Khi lây nhiễm ở động vật, đậu mùa khỉ sẽ tồn tại lâu dài, thỉnh thoảng gây ra các ca nhiễm mới ở người. Đây chính là cách để một căn bệnh lưu hành vĩnh viễn trong khu vực.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết, cơ quan này "ủng hộ" tuyên bố của WHO và hy vọng tuyên bố này sẽ thúc đẩy những nỗ lực chung của quốc tế để dập dịch. Nhiều chuyên gia khác cũng hy vọng, việc WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp có thể mang đến sự công bằng trong việc phân phối nguồn lực cũng như vaccine phòng đậu mùa khỉ trên phạm vi toàn cầu. Hiện các quốc gia bao gồm Anh, Canada, Đức và Mỹ đã đặt hàng hàng triệu liều vaccine đậu mùa khỉ, nhưng không một liều vaccine nào được chuyển đến châu Phi.