World Bank: G7 không thể áp trần giá dầu Nga đơn phương
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng thị trường dầu ngày 26/10 của World Bank, tổ chức này nhận định nhóm G7 sẽ không thể thành công trong việc áp trần giá dầu Nga nếu không có sự tham gia của các thị trường mới nổi lớn và các nước đang phát triển.
Theo RT trích dẫn báo cáo này, World Bank nhấn mạnh kế hoạch áp trần giá dầu Nga của các quốc gia G7 vẫn còn tồn tại rất nhiều rủi ro liên quan. Một trong các rủi ro đó chính là việc giá cả gia tăng do bị chi phối bởi các vấn đề về nguồn cung, đặc biệt là mức độ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nga trong bối cảnh thương mại mới.
Cụ thể, tổ chức này đưa ra nhận định kế hoạch giới hạn giá dầu của G7 có thể sẽ gây ảnh hưởng tới dòng chảy dầu từ Nga. Tuy nhiên, đây là một cơ chế chưa được thử nghiệm và do đó sẽ cần sự tham gia của các thị trường mới nổi lớn và các nền kinh tế đang phát triển để có thể đạt được mục tiêu mong đợi.
Thêm vào đó, dù xuất khẩu dầu của Nga có thể gặp phải ảnh hưởng đáng kể trong ngắn hạn do các tuyến đường thương mại bị gián đoạn, "những người tham gia thị trường có thể tìm cách để lách các lệnh trừng phạt”. Điều này là một điều thường xảy ra với các đợt trừng phạt khác".
Báo cáo này của Ngân hàng Thế giới được đưa ra trong bối cảnh nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Anh và Nhật Bản đã đồng ý thực thi việc áp trần giá dầu của Nga. Theo các quốc gia này, kế hoạch này là nhằm hạn chế doanh thu của Nga từ xuất khẩu năng lượng.
Theo kế hoạch, các công ty ngân hàng, bảo hiểm và vận tải biển sẽ bị cấm cung cấp dịch vụ cho các công ty Nga bán dầu với giá cao hơn mức quy định bắt đầu từ ngày 5/12. Mốc thời gian này cũng đồng thời đánh dấu thời hạn EU cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu thô đường biển của Nga.
Tuy nhiên theo hãng tin Bloomberg đưa tin ngày 26/10, Mỹ và EU có khả năng sẽ phải đưa ra mức giới hạn giá lỏng lẻo hơn dự tính. Đáp trả lại thông tin này, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Adrienne Watson tuyên bố chính quyền Mỹ đang đi đúng hướng trong việc thực hiện giới hạn giá mạnh mẽ, hiệu quả đối với dầu của Nga với sự phối hợp của G7 và các đối tác khác.
Phản ứng lại động thái này từ phía các quốc gia phương Tây, các quan chức Nga khẳng định nước này sẽ không bán dầu hoặc các mặt hàng khác dưới mức giới hạn giá hoặc dưới các điều kiện thị trường không có lợi. Hồi đầu tháng 10, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết, Moscow cũng sẽ không cung cấp năng lượng cho các quốc gia áp dụng chính sách thương mại trái ngược với các điều khoản trong hợp đồng dầu khí tự nhiên của Nga.