World Cup: Bức tranh đa sắc về cầu thủ nhập tịch
Mọi quốc gia đều muốn chiến thắng ở World Cup, và cách nhanh nhất để gia tăng sức mạnh là sử dụng cầu thủ đa quốc tịch. Đây thậm chí là truyền thống của World Cup, trước khi bùng nổ ở giải đấu năm nay.
Năm 2018, trong một chương trình truyền hình đêm khuya nổi tiếng, diễn viên hài độc thoại người Mỹ gốc Phi Trevor Noah hét lên: “Châu Phi vô địch World Cup”. Và anh ấy nói: “Tôi biết, người ta bảo Pháp mới là đội vô địch. Nhưng này, bạn tôi ơi, dù chơi bóng dưới ánh nắng miền nam nước Pháp, bạn cũng không thể đen đến thế”.
Tất nhiên là Noah đang đùa, nhưng điều này nói lên một thực tế về quốc tịch các cầu thủ. 4 năm trước ở Nga, Pháp đã vô địch thế giới với 20 cầu thủ nhập cư trực tiếp hoặc gián tiếp. 15 trong số đó có nguồn gốc châu Phi. Ở lần đăng quang trước (World Cup 1998), Pháp được gọi là “Đội Cầu vồng”, hoặc “Black, Blanc, Beur”, tức “Đen, Trắng, Ả rập” bởi quá nhiều cầu thủ có gốc gác bên ngoài xứ lục lăng. Khi ấy Jean-Marie Le Pen, một chính trị gia Pháp, nói rằng “chiến thắng không phải của người Pháp”, và “thật khó để tự hào khi nhiều cầu thủ còn không hát quốc ca”.
Điều ngạc nhiên là việc các cầu thủ có gốc gác nước ngoài khoác áo một ĐTQG không phải điều gì mới. Nhìn lại lịch sử 22 kỳ World Cup sẽ thấy, mọi kỳ đều có sự hiện diện của những cầu thủ đa tịch. Theo thống kê, bình quân mỗi kỳ có 9,8% cầu thủ dạng này. Đây là một phần của sự toàn cầu hóa, đồng thời phản ánh lịch sử cũng như đặc điểm các quốc gia. Như Pháp trước đây có nhiều thuộc địa hoặc Mỹ tính đến năm 2018 đã sử dụng 48 cầu thủ sinh ra ở nước ngoài.
Dù vậy, dễ nhận ra xu hướng gia tăng cầu thủ đa tịch ở World Cup. Kể từ năm 1982 đến nay, tỷ lệ luôn trên mức 8,2%, đồng thời tăng dần ở 8 kỳ gần nhất, và thực sự bùng nổ ở kỳ World Cup hiện tại. Trong số cầu thủ tranh tài ở Qatar 2022, có tới 137 cầu thủ đa tịch, chiếm 16%, cao nhất lịch sử giải đấu và gấp rưỡi tỷ lệ bình quân mỗi kỳ.
Các quốc gia ngày càng đề cao giá trị của cầu thủ nhập cư hoặc sinh ra ở hải ngoại trong nỗ lực gia tăng sức mạnh đội tuyển. Morocco là một điển hình. Họ đã làm nên lịch sử cho bóng đá châu Phi khi vào tới bán kết World Cup bằng một đội hình gồm 14 cầu thủ sinh ra ở nước ngoài. Nhiều đội châu Phi cũng làm điều tương tự, dù mức độ thành công không bằng.
42% trong số 130 cầu thủ châu Phi tham dự World Cup 2022 được sinh ra bên ngoài lục địa đen. Ngay trước thềm giải đấu, Ghana làm mọi cách để thuyết phục Inaki Williams khoác áo Những ngôi sao đen. Cuối cùng họ thành công, và chúng ta được chứng kiến hai anh em nhà Williams cùng tới Qatar trong hai màu áo khác nhau (cậu em Nico Williams chơi cho Tây Ban Nha).
Bóng đá là một phần của xã hội, và sân khấu World Cup cung cấp cái nhìn khái quát về sự đa dạng nhân khẩu học của một quốc gia, sự phát triển về di cư, quyền công dân và cả mức độ phát triển của toàn cầu hóa. Nó cũng là phép thử của chủ nghĩa dân tộc và bản sắc của một đất nước.
Tất cả đã thấy những khán đài không được lấp đầy trong các trận đấu của chủ nhà Qatar, một phần vì người dân không hào hứng với một đội bóng có quá nhiều cầu thủ nhập tịch. Thật ra, con số 10/26 không phải người bản địa của đội tuyển Qatar không phải là nhiều nếu đặt cạnh các quốc gia khác và lịch sử cầu thủ nhập cư của World Cup. Mọi quốc gia đều muốn tận dụng mọi nguồn lực để tăng cơ hội giành chiến thắng. Chỉ có điều câu chuyện sau đó mới gây nhức nhối. Như Mesut Oezil, tiền vệ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, từng nói: “Khi thắng, tôi là người Đức. Trong trường hợp thất bại, tôi trở lại là kẻ nhập cư”.