WSJ: Lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh chặn công ty của tỷ phú Jack Ma
Nguồn tin của Wall Street Journal khẳng định lãnh đạo cấp cao nhất trong chính phủ Trung Quốc ra lệnh chặn đợt niêm yết 39,6 tỷ USD của startup tài chính Ant Group.
Nhật báo tài chính Mỹ dẫn một số nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hài lòng với phát ngôn của tỷ phú Jack Ma - chủ Ant Group - về hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Phát biểu tại một hội nghị tài chính ở Thượng Hải hôm 24/10, tỷ phú Jack Ma chỉ trích các ngân hàng truyền thống là "tiệm cầm đồ". Người sáng lập Alibaba mô tả các quy định tài chính của chính phủ Trung Quốc kìm hãm sự phát triển của công nghệ.
Nguồn tin trên mô tả Chủ tịch Tập và các quan chức cấp cao Trung Quốc khác tức giận với phát biểu này. Ông Tập ra lệnh cho các cơ quan quản lý của Trung Quốc điều tra Ant Group. Sau đó, chính quyền Bắc Kinh đề xuất các quy định quản lý tài chính mới và triệu tập Jack Ma.
Cuối cùng, Ant Group thông báo ngừng đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tại Thượng Hải và Hong Kong hôm 3/11. Trước đó, Ant Group kỳ vọng huy động 39,6 tỷ USD và đạt định giá 310 tỷ USD, qua đó trở thành công ty tài chính giá trị nhất thế giới.
Nguồn tin Financial Times khẳng định từ nhiều tháng trước, các ngân hàng và cơ quan quản lý tài chính đã vận động chính phủ trung ương để siết chặt kiểm soát ngành công nghệ tài chính (fintech), đặc biệt là startup của tỷ phú Jack Ma.
Quan hệ phức tạp
Theo thống kê, Ant được khoảng 70% người Trung Quốc sử dụng, môi giới cho hơn 20 triệu doanh nghiệp nhỏ và 500 triệu cá nhân vay vốn. Nền tảng cũng điều hành quỹ tương hỗ lớn nhất cả nước và bán nhiều sản phẩm tài chính khác. Ant tập trung vào những đối tượng mà các ngân hàng truyền thống bỏ qua từ lâu. Công ty cũng không phải tuân thủ những quy định khắt khe và yêu cầu về vốn dành cho ngân hàng thương mại.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt các quy định tài chính sau vụ thị trường chứng khoán nước này lao dốc hồi năm 2015. Bắc Kinh cũng đánh giá cao lợi ích từ các công ty như của ông Ma. Với những ứng dụng thanh toán và hoạt động tín dụng, các công ty này thay đổi hành vi tiêu dùng của người Trung Quốc, cung cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ.
"Ant và chính phủ Trung Quốc luôn có một mối quan hệ phức tạp", Giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell nhận định. Tuy nhiên, công ty không còn là đối tượng "quá lớn, quá ảnh hưởng để bị quản lý". "Bài phát biểu của Jack Ma hồi tháng 10 là động cơ thúc đẩy chính phủ hành động", ông Prasad giải thích.
Khởi điểm của Ant là Alipay. Năm 2004, Alipay ra đời như một dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thanh toán trên Taobao. Năm 2011, Jack Ma tách Alipay khỏi Alibaba. Tỷ phú này kiểm soát 50,5% quyền biểu quyết của Ant, nhưng không giữ vị trí điều hành hoặc quản lý tại công ty.
Năm 2008, khi còn là Giám đốc điều hành Alibaba, Jack Ma than thở rằng các ngân hàng truyền thống của Trung Quốc đang phớt lờ những doanh nghiệp rất cần vốn. "Nếu các ngân hàng không thay đổi, chúng ta sẽ thay đổi họ", ông khẳng định. Nhà sáng lập Alibaba tiết lộ đã hình dung ra "một hệ thống cho vay toàn diện đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ".
Năm 2013, Chủ tịch Alibaba một lần nữa nhấn mạnh rằng Trung Quốc không thiếu ngân hàng hoặc tổ chức đổi mới, mà cần một tổ chức tài chính có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới. "Ngành công nghiệp tài chính cần một kẻ ngoại đạo mang đến những thay đổi", ông nói.
Vào khoảng thời gian đó, Alipay đã tạo ra một quỹ tương hỗ trên thị trường tiền tệ trực tuyến, nhằm giúp các cá nhân kiếm lợi nhuận từ tiền điện tử trong ví Alipay. Quỹ thành công ngay lập tức. Nhiều khách hàng chuyển tiền ở tài khoản ngân hàng sang quỹ mới để kiếm lời.
Không ít nhà băng phàn nàn rằng Alipay đang bòn rút tiền gửi của ngân hàng. Vào năm 2014, Alipay cùng với các doanh nghiệp tài chính khác của Alibaba được hợp nhất thành Ant Financial Services Group, nay là Ant Group.
Mắc kẹt
Quỹ thị trường tiền tệ của Ant đã trở thành quỹ lớn nhất thế giới với hơn 250 tỷ USD được quản lý vào năm 2017. Điều này khiến cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc lo ngại về rủi ro hệ thống. Họ gây áp lực buộc quỹ phải thu hẹp và giảm lợi nhuận.
Đến năm nay, mối quan hệ tệ hại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo cơ hội cho Jack Ma ghi điểm với chính phủ. Khi Washington đe dọa xóa tên các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ, Bắc Kinh nỗ lực xây dựng sàn giao dịch của riêng mình. Các cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cho rằng việc một công ty như Ant được niêm yết ở cả Thượng Hải và Hong Kong là sự chứng thực lớn của thị trường Trung Quốc.
Ant đổi tên vào mùa hè, bỏ hai chữ "Financial Services". Ngay sau đó, công ty công bố kế hoạch IPO. Sau khi Ant nộp hồ sơ tại Hong Kong và Thượng Hải, các sàn giao dịch chứng khoán và cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc nhanh chóng bật đèn xanh.
Tuy nhiên, rắc rối vẫn xảy ra khi các cơ quan quản lý ngân hàng ngày càng lo ngại về rủi ro đối với nhà băng. Kể từ mùa hè, một loạt quy định, hướng dẫn và thông báo của chính phủ được đưa ra nhằm ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn từ sự phát triển của tài chính kỹ thuật số và tín dụng vi mô.
Hôm 24/10, tại hội nghị kinh doanh ở Thượng Hải, trước các nhà quản lý, chính trị gia và lãnh đạo của những nhà băng hàng đầu, Jack Ma khẳng định đợt IPO của Ant "là một phép màu". Trong bài phát biểu dài 21 phút, ông cho rằng mối lo ngại của hệ thống tài chính Trung Quốc không phải rủi ro hệ thống.
Ông chỉ trích các nhà quản lý "chỉ tập trung vào rủi ro mà bỏ qua sự phát triển". Tỷ phú Ma cũng cáo buộc các ngân hàng lớn nuôi dưỡng "tâm lý tiệm cầm đồ". Ông Ma cho rằng điều đó đã làm tổn thương nhiều doanh nhân.
Sau bài phát biểu của ông Ma, hôm 2/11, các cơ quan giám sát tài chính hàng đầu Bắc Kinh cho triệu tập Jack Ma. Bắc Kinh cũng ban hành dự thảo về hoạt động tín dụng vi mô, quy định về vốn và quy tắc hoạt động chặt chẽ hơn đối với một số doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng của Ant.
Nhưng cú sốc lớn đến vào ngày 3/11. Hôm đó, sàn giao dịch Thượng Hải đình chỉ IPO của Ant Group với lý do "những thay đổi về quy định". Thông báo được đưa ra chỉ vỏn vẹn hai ngày trước hôm dự kiến diễn ra thương vụ IPO trị giá 35 tỷ USD.
Ant vẫn còn cơ hội IPO một lần nữa. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định ngay cả khi trở lại, công ty sẽ không có được mức định giá cao ngất và huy động được nhiều tiền như mục tiêu ban đầu.