WTO hoan nghênh bước tiến về dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine ngừa COVID-19
Ngày 16/3, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã hoan nghênh bước tiến đạt được giữa Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Ấn Độ và Nam Phi về việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các vaccine ngừa COVID-19.
Phát biểu sau khi thỏa thuận tạm thời trên được công bố, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh "đây là một bước tiến quan trọng" và "sự thỏa hiệp này là kết quả của nhiều cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn". Tuy nhiên, bà lưu ý vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm đảm bảo có sự ủng hộ của toàn bộ 164 thành viên WTO.
Nếu được tất cả các thành viên WTO ủng hộ thông qua, thỏa thuận này đồng nghĩa là các quốc gia có thể cho phép các nhà sản xuất trong nước sản xuất vaccine mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế.
Thỏa thuận đạt được giữa Mỹ, EU, Ấn Độ và Nam Phi hôm 15/3 vẫn có một số giới hạn, bao gồm việc miễn trừ bản quyền chỉ dành cho những thành viên WTO xuất khẩu dưới 10% trên tổng số liều vaccine ngừa COVID-19 xuất khẩu trên toàn cầu trong năm 2021.
Tuy nhiên, ý tưởng dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các hãng dược phẩm lớn. Các nhà sản xuất dược phẩm toàn cầu trong Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) cho rằng động thái trên có thể làm suy yếu khả năng ứng phó của họ trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Trong khi đó, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và BioNTech của Đức không đưa ra bình luận nào về thông tin trên. Cả hai hãng này đã cam kết cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong năm 2021 và 2022.
Trước đó, công ty công nghệ sinh học Mỹ Moderna đã cam kết miễn trừ quyền bảo hộ sáng chế vaccine ngừa COVID-19 khi cuộc khủng hoảng y tế trong giai đoạn khẩn cấp. Điều này đã cho phép phát triển một nhà máy sản xuất vaccine ở châu Phi do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ như một phần của dự án thí điểm trao cho các nước thu nhập thấp và trung bình bí quyết để sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Công ty thông báo sẽ kéo dài quyền miễn trừ này vô thời hạn đối với 92 nước thu nhập trung bình và thấp theo Cam kết Thị trường tiên tiến COVAX (COVAX AMC) về phân phối công bằng vaccine.