WTO: Mọi quốc gia trên thế giới cần được hưởng lợi ích từ vaccine
Ngày 13/11, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng mọi quốc gia phải được hưởng lợi ích từ vaccine phòng ngừa căn bệnh COVID-19.
Ngày 13/11, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi những bước tiến nhanh chóng trong công tác nghiên cứu và điều chế vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời nhấn mạnh rằng mọi quốc gia phải được hưởng lợi ích từ vaccine phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Phát biểu bế mạc cuộc họp thường niên của WHO tại Geneva, ông Ghebreyesus đã bày tỏ lạc quan trước thông tin vaccine phòng COVID-19 được hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90%, đồng thời nhấn mạnh "vaccine sẽ là công cụ then chốt để kiểm soát đại dịch".
Ông nêu rõ: "Chưa bao giờ trong lịch sử, việc nghiên cứu vaccine lại đạt tiến triển nhanh như thế. Chúng ta phải áp dụng tinh thần khẩn trương và đổi mới tương tự để đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ thành tựu khoa học này".
Cũng trong phát biểu của mình, ông Ghebreyesus nhận định đại dịch COVID-19 đã cho thấy nhu cầu cấp thiết về việc xây dựng "một hệ thống được thống nhất toàn cầu" để chia sẻ những tác nhân gây bệnh và mẫu bệnh phẩm nhằm phục vụ cho công tác phát triển nhanh chóng vaccine ngừa COVID-19, các phương pháp chẩn đoán và điều trị.
Ông nhấn mạnh hệ thống này không thế chờ đợi các thỏa thuận song phương vốn có thể mất nhiều năm đàm phán.
WHO đang đề xuất một cách tiếp cận mới, bao gồm xây dựng một kho lưu trữ dữ liệu được WHO đặt tại một cơ sở an toàn ở Thụy Sĩ; một thỏa thuận về việc chia sẻ và đóng góp các tài liệu vào kho lưu trữ này trên tinh thần tự nguyện; WHO có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao và sử dụng các tài liệu này, đi kèm với đó là một danh sách các tiêu chí mà WHO sẽ dựa vào đó để phân phối những tài liệu trên.
Người đứng đầu WHO cũng gửi lời cảm ơn Thái Lan và Italy đã đề nghị cung cấp tài liệu và đi tiên phong trong cách tiếp cận mới này, cũng như việc Thụy Sĩ đã cung cấp một phòng thí nghiệm.
Trước đó, tại cuộc họp thường niên, các nước thành viên của WHO đã thông qua nghị quyết tăng cường tinh thần sẵn sàng ứng phó với các tình trạng y tế khẩn cấp.
Nghị quyết kêu gọi các nước ưu tiên ở cấp chính trị cao nhất cho việc cải thiện và nâng cao tinh thần sẵn sàng ứng phó với những vấn đề y tế cấp bách.
Nghị quyết cũng hối thúc các nước tiếp tục phát triển năng lực phát hiện các căn bệnh lây nhiễm, phù hợp với các quy tắc y tế quốc tế.
Bên cạnh thảo luận về đại dịch COVID-19, các nước thành viên của WHO cũng nhất trí về một kế hoạch mới nhằm xóa bỏ bệnh viêm màng não vào năm 2030; tăng cường hành động đối với chứng động kinh và các rối loạn thần kinh khác; và một chiến lược nhằm đẩy nhanh nỗ lực loại bỏ ung thư cổ tử cung như một vấn đề sức khỏe cộng đồng./.