WWF: Chi phí xã hội của lượng nhựa sản xuất năm 2019 cao hơn GDP Ấn Độ
Các chi phí liên quan trong suốt vòng đời sản phẩm của lượng nhựa được sản xuất ra trong năm 2019 có thể lên đến 3.700 tỷ USD
Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên quốc tế (WWF) cho biết các chi phí liên quan trong suốt vòng đời sản phẩm của lượng nhựa được sản xuất ra trong năm 2019 có thể lên đến 3.700 tỷ USD, đồng thời cảnh báo gánh nặng về kinh tế và môi trường mà vật liệu “tưởng chừng là rẻ tiền” này có thể gây ra.
Trong báo cáo, WWF ước tính các chi phí vòng đời sản phẩm của lượng nhựa được sản xuất trong năm 2019 sẽ lớn hơn cả Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ.
Báo cáo cho biết nhựa là một vật liệu rẻ khi nhìn vào giá thị trường của nó, nhưng mức giá này không phản ánh toàn bộ các chi phí liên quan trong suốt vòng đời sản phẩm của nhựa.
Cũng theo ước tính trong báo cáo trên của WWF, nếu không có hành động chung của cộng đồng quốc tế, việc sản lượng nhựa tăng gấp đôi như dự đoán có thể khiến các chi phí liên quan tăng lên 7.100 tỷ USD từ nay đến năm 2040.
Phân tích của WWF xem xét các yếu tố như lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được thải ra trong suốt quá trình sản xuất nhựa, các ảnh hưởng đến sức khỏe, chi phí xử lý rác thải và sự sụt giảm ước tính trong hiệu quả kinh tế của hệ sinh thái trên đất liền và trên biển.
Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) sẽ nhóm họp tại thành phố Marseille, Pháp. Trong đó, IUCN đang xem xét kiến nghị kêu gọi từ nay đến năm 2030 chấm dứt ô nhiễm nhựa./.