Hội gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã thông thường xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đã mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng chuồng trại; thực hiện tốt vấn đề kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi để phát triển các loài động vật rừng thông thường như: nhím, lợn rừng, ong, dê, hươu… Qua đó, giúp các hộ thành viên phát triển kinh tế và bảo tồn các loài động vật hoang dã.
Your browser does not support the audio element.
Hộ dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) gây nuôi động vật hoang dã cho hiệu quả kinh tế cao. Thôn Ngọc Lâm, xã Đồng Tâm có khí hậu, nguồn thức ăn phù hợp với việc nuôi và phát triển một số loài động vật hoang dã. Thôn còn là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, tuyến đường liên tỉnh chạy qua thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Trước năm 2012, nhiều hộ trong thôn đã nuôi động vật hoang dã nhưng ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Vì vậy, việc quản lý, kiểm soát tình hình giống, vệ sinh, dịch bệnh trong chăn nuôi tương đối khó khăn. Nhằm khắc phục những hạn chế trong nuôi động vật hoang dã, năm 2012, Hội gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã thông thường xã Đồng Tâm được thành lập. Đến nay, Hội có 14 hộ hội viên, tất cả được cấp phép gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã thông thường của Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Hội hoạt động theo điều lệ, có quỹ để tái sản xuất, giúp đỡ hội viên khó khăn. Đội ngũ cán bộ hội nhiệt tình, năng động trong tìm kiếm thị trường; hội viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm gây nuôi động vật hoang dã. Hội xây dựng một tủ thuốc thú y, thường xuyên cấp thuốc cho hội viên phun khử trùng chuồng trại theo định kỳ. Mô hình chăn nuôi động vật hoang dã của gia đình ông Vũ Văn Hùng được duy trì 9 năm nay. Ông Hùng là một trong những hộ đầu tiên tham gia hội, mô hình nuôi động vật hoang dã hiện là nguồn thu chính của gia đình. Ông Hùng chia sẻ: Nuôi nhím, lợn rừng, hươu không cần quá nhiều vốn để đầu tư chuồng trại; nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ voi, cây chuối, cám ngô, củ sắn… Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao người nuôi phải ghi chép xuất nhập rõ ràng, làm tốt khâu vệ sinh môi trường, kỹ thuật chăm sóc, ngăn ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Với tổng đàn nhím 120 con, 100 con lợn, 7 con hươu, năm 2020, giá bán đối với nhím là 320.000 đồng/kg, lợn 180.000 đồng/kg, nhung hươu 1,8 triệu đồng/kg, trừ chi phí chăm sóc gia đình tôi lãi khoảng 350 triệu đồng. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, nhiều gia đình hội viên chuyển từ nuôi nhốt sang nuôi thả. Chăn nuôi với số lượng lớn, gần gũi môi trường tự nhiên tạo điều kiện cho động vật hoang dã sinh sản, sinh trưởng tốt, chất lượng thịt cao hơn. Đa số hội viên chủ động được nguồn giống. Đối với nhím đã có giống thuần chủng nuôi nhiều năm ở địa phương, được chọn lọc phù hợp môi trường nuôi, vì thế ít bị nhiễm bệnh. Giống lợn phát triển 2 giống được thị trường ưa chuộng là lợn rừng Việt Nam và lợn rừng Thái Lan. Hai giống này có tỷ lệ nạc cao tới 87%, chất lượng thịt thơm ngon, nhiều đạm và protein. Giống hươu chọn từ hươu bố có chất lượng nhung tốt, trọng lượng nhung cao phối với hươu mẹ để ra đời con F1 cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Phạm Văn Hoàn, Hội trưởng cho biết: Năm 2020, các hộ hội viên đã đầu tư 1,4 tỷ đồng để nuôi động vật hoang dã (nhím 450 con, lợn 410 con, hươu 26 con, ong 170 đàn). Các hội viên nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Nhà nước về nuôi động vật hoang dã, có kiến thức về đặc tính của loài vật nuôi, nhạy bén với thị trường… Nhờ vậy, mô hình gây nuôi động vật hoang dã của hội đạt hiệu quả cao, góp phần vào phát triển kinh tế. Cung cấp cho thị trường khoảng 5,4 tấn thịt lợn rừng; 5,5 tấn lợn giống; 3,1 tạ nhím; 13 kg nhung hươu; 6 con hươu giống; trên 2.000 lít mật ong. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các nhà hàng ở Hà Nam, Hà Nội… Tổng thu nhập của hội đạt trên 3 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ đạt trên 200 triệu đồng/năm. Hội tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 36 lao động, thu nhập từ 4,7 - 5 triệu đồng/người/tháng. Một số hộ có thu nhập cao, tiêu biểu như các hộ: Vũ Văn Hùng, Nhữ Văn Vũ, Phạm Văn Tới, Phạm Văn Hoàn... Thu Thủy