Xã Hội | Giáo dục TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Năm học 2021-2022, toàn huyện Than Uyên có 39 trường, 1 trung tâm với 719 lớp, 21.039 học sinh; có 1.529 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 793 phòng học, trong đó kiên cố 691 phòng, bán kiên cố 97 phòng, 5 phòng tạm. Có 25/35 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia.
Để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (XMC), huyện Than Uyên tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác phổ cập giáo dục, XMC. Chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân về công tác phổ cập giáo dục, XMC; nhất là vận động người dân còn mù chữ tham gia các lớp học XMC. Quy hoạch mạng lưới trường, lớp gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng trường học đạt chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Ngoài ra, huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Thực hiện đổi mới công tác quản lý; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức trong dạy-học. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, đồ dùng, thiết bị dạy học. Qua đó, phần nào giảm bớt những khó khăn trong công tác giáo dục.
Ông Trần Quang Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Huyện chỉ đạo các địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, XMC, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Xây dựng kế hoạch, tổ chức điều tra, cập nhật số liệu, tự kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ cấp xã đảm bảo quy trình, thời gian theo quy định. Gắn trách nhiệm cho từng thành viên Ban Chỉ đạo đối với công tác theo dõi, nắm bắt, huy động học sinh ra lớp; đặc biệt là học sinh cấp THCS”.
Tại bản Tu San, xã Tà Mung, chúng tôi được dự lớp học XMC cho người dân nơi đây. Lớp học tiếng phổ thông đặc biệt này người lớn gần 60 tuổi, nhỏ cũng 20 tuổi; tất cả bà con đều tranh thủ buổi tối để đến lớp học chữ. Nhân dân vùng cao nơi đây được dạy cách ghép chữ, đánh vần, ghép âm và đọc thành tiếng. Phương pháp truyền đạt chủ yếu của giáo viên là dạy song song 2 ngôn ngữ là tiếng phổ thông và tiếng Mông; dùng cách ghép âm đánh vần đơn giản để người dân dễ đọc. Ngoài cách đọc, ghép vần, người học còn được dạy cầm bút, viết chữ.
Chị Mùa Thị Mảy (bản Tu San, xã Tà Mung) tâm sự: “Ban ngày tôi bận đi làm ruộng nương tối mới tham gia lớp XMC. Vì không biết chữ nên khi tham gia lớp học tôi rất thích. Đến nay, tôi đã biết đánh vần để đọc, biết viết tên mình. Tôi cũng được học cách làm toán, học các môn tiếng Việt, tự nhiên - xã hội thuộc cấp tiểu học, sau này không lo mù chữ nữa”.
Anh Sùng A Sa - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Mung chia sẻ: “Trước thực trạng trình độ dân trí của một bộ phận bà con còn hạn chế, không biết nói tiếng phổ thông, xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi còn mù chữ tham gia các lớp học XMC. Phối hợp với ngành Giáo dục huyện triển khai mở các lớp XMC cho người dân. Từ đó, giúp người dân hiểu tiếng phổ thông; tiếp thu được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022, Trường Mầm non xã Mường Kim đã triển khai đến cán bộ, giáo viên, nhân viên làm tốt công tác huy động trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường. Cử cán bộ, giáo viên xuống từng bản thực hiện việc điều tra phổ cập, huy động trẻ ra lớp. Phối hợp với trưởng bản đến từng gia đình lấy thông tin, đối chiếu sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, cập nhật đầy đủ thông tin vào biểu mẫu điều tra. Qua công tác điều tra phổ cập giúp giáo viên trao đổi với phụ huynh để nắm bắt tình hình về hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng khi gửi con tại trường.
Cô Đinh Thị Hường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2021-2022, trường có trên 700 trẻ. Để làm tốt công tác huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu tham mưu chính quyền xã đưa ra giải pháp trong công tác duy trì và nâng cao các tiêu chí phổ cập giáo dục. Trong đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về phổ cập giáo dục mầm non. Từ đó, duy trì sỹ số trẻ ra lớp đạt 100%; góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ”.
Hiện nay, việc huy động trẻ mẫu giáo, học sinh trong độ tuổi ra lớp ở bậc mầm non và tiểu học toàn huyện đạt 100%. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình mầm non 5 tuổi đạt 100%, tiểu học 99%; tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 90%. Tỷ lệ người biết chữ từ 15-60 tuổi đạt 86,1%; riêng năm 2020 đã công nhận biết chữ cho 153/155 học sinh học xong chương trình XMC.