Xã Hội | Gương sáng bản mường TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Gắn bó với đàn em thơ ngây ở mảnh đất Mường Khoa (huyện Tân Uyên) đến nay đã hơn 15 năm, cô giáo Đỗ Thị Thu (Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mường Khoa) vẫn âm thầm vun đắp, ươm mầm cho những ước mơ xanh mà chưa một lần chùn bước trước khó khăn, gian khổ. Giữ cương vị quản lý nhiều năm, đong đầy tình thương yêu con trẻ, cô cố gắng làm tốt nhất có thể để nuôi dưỡng tâm hồn, ước mơ cho những mầm non tương lai của đất nước.
Hành trang cuộc đời
Sinh ra và lớn lên ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái), năm 2006, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non, cô Đỗ Thị Thu lên công tác trong ngành Giáo dục Lai Châu và được nhận công tác giảng dạy tại Trường Mầm non xã Mường Khoa. Ngày đó, đường giao thông đi vào xã Mường Khoa khó khăn đến nỗi ai nhắc đến cũng phải sợ hãi vì ngoài đi bộ ra thì không thể bằng cách nào đi vào xã dễ hơn.
Hồi tưởng về những ngày gian khó ấy, cô Thu kể lại: Nơi đầu tiên tôi đặt chân đến đó là bản Nà Nghè, hình ảnh đập vào mắt tôi là những đứa trẻ lấm lem, có áo thì không có quần và ngược lại, có cháu thì không mặc cả áo lẫn quần, trên tay cầm nắm cơm đã nguội lạnh. Chao ôi, sao lại có những cảnh khổ cực đến thế này? Tôi không tin vào mắt mình, nhưng thực tế ấy diễn ra hàng ngày khiến những ngỡ ngàng đó qua nhanh và tôi được chứng kiến thường xuyên như một thói quen.
Đường vào điểm trường thường là đi bè, hôm nào bè trôi thì nước ngập ngang người. Gặp phụ huynh đưa học sinh từ bờ bên này sang thì yên tâm hơn một chút. Tôi được phụ trách dạy lớp ghép nhà trẻ cho đến các độ tuổi 3,4,5. Một điểm trường nhưng có 2 cấp học, buổi sáng cấp tiểu học học xong, chiều nhường lại lớp cho cấp mầm non. Trước mỗi buổi học, các cô xếp lại bàn ghế cho phù hợp với cách thức tổ chức lớp học.
Khi ve kêu, phượng nở, được nghỉ hè, tôi về thăm nhà lại quyên góp quần áo cũ của con em bạn bè, họ hàng trong gia đình, vào năm học mới mang lên cho các cháu. Mỗi lần như thế tôi không quên mang theo những hộp bánh, kẹo làm quà. Mỗi lần nhận được, những bàn tay bé nhỏ giơ lên như những chú chim non đòi quà mẹ.
Không chỉ phụ trách điểm bản Nà Nghè, những bản như Hô So, Hô Tra (bản vùng cao, xa nhất xã) không nơi nào thiếu bước chân cô. Không phải đi bè mảng đến lớp, đi xe máy, cô Thu vẫn bị ngã liên tục vì những tảng đá hộc, đá cuội. Mùa mưa thì chọn cách đi bộ, tuy xa nhưng không ngã, quần áo vẫn giữ sạch cho khi đến được điểm trường. Thời gian đi bộ khoảng 1,5 giờ đồng hồ.
Những kỷ niệm khó quên trong nghề; những gian khổ ấy là hành trang theo cô Thu trong suốt cuộc đời nghề nuôi dạy trẻ sau này.
Dạy những điều giản đơn mà ý nghĩa
Sự phấn đấu bền bỉ và không mệt mỏi ấy đã được đền đáp, nhiều năm học hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, năm 2009 cô được cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng nhà trường. Đến năm 2015 cô tiếp tục được giao trọng trách hiệu trưởng nhà trường.
Càng khó khăn, cô Thu càng thấy yêu hơn những mảnh đời mỏng manh nơi đất khó, lại thấy mình phải gắn bó, quan tâm để “làm một cái gì đó” giúp những mầm xanh vươn lên mạnh mẽ, chạm tới những ước mơ cao hơn, góp phần làm thay đổi cuộc sống nghèo khó hiện tại.
Có thời điểm chưa đầu tư kịp nên lớp học được bố trí cạnh chân ruộng, nền đất, thưng gỗ, mái lợp proximang. Dần dần, cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục được cải thiện, lớp học đã được xây, cô Thu vận động phụ huynh góp sức cùng các giáo viên san gạt làm nền sân chơi cho các con. Khi nhà nước thay đổi chính sách hỗ trợ cho trẻ ăn bán trú, cô cùng các giáo viên nhà trường đến từng nhà vận động, giải thích (có gia đình không dưới 5 lần); thuyết phục phụ huynh đóng góp tiền, gạo cho các con ăn, ngủ lại trường, yên tâm học tập. Trong khi nhiều đơn vị trường khu vực thuận lợi tỷ lệ chuyên cần hạn chế thì dưới sự chỉ đạo của cô Thu, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường luôn đạt 97% trở lên.
Năm học này, Trường Mầm non Mường Khoa có 25 lớp với 553 trẻ, học tại 17 điểm trường. Cô Thu nói: Bậc học mầm non chính là cánh cửa đầu tiên trong quá trình hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ. Do đó, mỗi giáo viên mầm non không chỉ đơn thuần là cô giáo, mà còn phải là người mẹ, là thầy thuốc, ca sĩ, họa sỹ và là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.
Trong giáo án mỗi giáo viên, cô Thu luôn yêu cầu bài giảng cần lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, tạo lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái cho các em qua mỗi tiết học. Trường Mầm non Mường Khoa luôn chú trọng xây dựng môi trường thân thiện, đoàn kết, ấm cúng, cởi mở giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với môi trường xung quanh… Cùng với đó, nhà trường triển khai đến đội ngũ cán bộ, giáo viên và phối hợp với phụ huynh tuyên truyền, vận động trẻ mặc trang phục truyền thống, đồng phục trong các ngày hội, lễ. Nhà trường dạy trẻ luôn giữ gìn và phát huy nền văn hóa, trang phục, ngôn ngữ địa phương. Trong lớp học có trang trí góc văn hóa truyền thống để trẻ hiểu hơn về nét đẹp bản sắc dân tộc.
“Nhà trường chọn lớp mẫu giáo ghép ở bản Hô Tra 2 là lớp điểm về giao tiếp ứng xử, trang phục trong dạy và học. Chúng tôi dạy trẻ từ những điều đơn giản nhất như lễ phép, biết khoanh tay chào cô, bố mẹ… Trong hội thi bé với văn hóa dân tộc cấp huyện, tôi tìm hiểu và nhờ đội múa của bản cùng các cô thiết kế món ăn, trò chơi, điệu múa mang đậm bản sắc của đồng bào địa phương. Nhờ đó, nhà trường đạt tiết mục đặc sắc nhất” – cô Thu chia sẻ.
Nhận xét về người “thuyền trưởng”, cô Lê Thị Thoa cho biết: “Từ chuẩn mực về đạo đức, lối sống cho đến trang phục công sở, cô Thu luôn nêu gương cho mọi người. Trong giao tiếp, ứng xử cô luôn là tấm gương để chúng tôi học tập và noi theo”. Còn cô Hoàng Thị Hà – đồng nghiệp của cô Thu thì thổ lộ: Cô Thu thường nói với chúng tôi, đối với trẻ mầm non, cô giáo phải là người mẹ hiền thứ 2. Là người đặt nét bút đầu tiên để giúp trẻ phát triển toàn diện, vì vậy, mỗi giáo viên phải tìm tòi, chăm chút, xây dựng môi trường học tập thân thiện để mỗi ngày đến trường của các em đều vui vẻ, mới mẻ, hấp dẫn.
Quả là vậy, dù đến thăm trường đôi lần song lần nào bước vào khuôn viên trường, tuy không gian rộng song vườn hoa, cây cảnh, khu vui chơi của trẻ được bố trí hài hòa, bắt mắt, thể hiện sự tỷ mỷ, kỳ công của bàn tay các cô nuôi dạy trẻ. Mùa nào hoa ấy, nở rộ với đủ loại màu sắc. Nơi đây vì thế được nhiều người đến check-in, lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp trong năm.
Đối với phụ huynh và Nhân dân trên địa bàn, cô Thu luôn gần gũi, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh. Nói đi đôi với làm, không chỉ dùng lời nói dễ hiểu, cử chỉ thân thiện, mà còn bằng những việc làm cụ thể. “Ở bản Hô Tra có rất nhiều địa lan. Dịp tết nguyên đán vừa qua, chúng tôi mang địa lan về điểm trường và trung tâm để trưng bày và bán, mang lại thu nhập cho người dân. Nhờ đó mà phụ huynh ở đây rất quý mến, ủng hộ giáo viên trong việc cho con em đi học. Hơn nữa, họ còn đóng góp để tăng khẩu phần, dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ tại trường” – cô Thu bộc bạch.
Dưới sự dẫn dắt của người “thuyền trưởng” là cô Đỗ Thị Thu, Trường Mầm non Mường Khoa liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục trong nhiều năm học; được công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Cô Thu đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Nhà trường đạt nhiều giải cao trong các hội thi do toàn ngành phát động. Nhưng hơn hết, bằng tình yêu thương con trẻ, với những việc đã làm, cô đã mang đến diện mạo mới cho công tác giáo dục ở địa phương; là người gieo mầm cho những ước mơ xanh để sau này các em được nuôi dưỡng tâm hồn, tri thức, đóng góp nhiều hơn xây dựng quê hương, đất nước.