Xã hội hóa các môn ngoại ngữ, tin học như gợi ý của Bộ trưởng không hề đơn giản
Việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm cũng chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết bài toán thiếu giáo viên trước mắt, còn lâu dài cũng không nên áp dụng.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước vào cuối tháng 12/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng để giải bài toán thừa thiếu giáo viên, bên cạnh chỉ tiêu cho phép thì địa phương triển khai đa dạng các giải pháp, trong đó có thể tính đến giải pháp xã hội hóa đối với các môn như ngoại ngữ, tin học, thông qua việc ký hợp đồng với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong thiết kế bài giảng Elearning, mô hình dạy học trực tuyến,…
Trước gợi ý này của tư lệnh ngành giáo dục, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay, từ thực tế tại Hải Dương, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục đã thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với giáo viên dạy ngoại ngữ và tin học bậc tiểu học.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn nhân lực đủ điều kiện, trình độ giảng dạy 2 môn này cũng rất hạn chế. Bởi vì, những người có chuyên môn về ngoại ngữ và tin học đều dễ dàng tìm được công việc phù hợp với mức lương cao hơn tại các doanh nghiệp, các khu đô thị lớn và các trường giáo dục tư thục, quốc tế. Điều đó dẫn tới tình trạng mất cân bằng tỷ lệ giáo viên tin học, ngoại ngữ giữa các vùng; đặc biệt tình trạng thiếu giáo viên tin học, ngoại ngữ xảy ra phổ biến tại các vùng nông thôn.
Chỉ nói riêng ở bậc tiểu học với yêu cầu về trình độ giảng dạy không quá cao mà việc tuyển dụng giáo viên đã khó khăn do thiếu nguồn nhân lực như vậy. Nên đối với những bậc học cao hơn, đồng nghĩa với yêu cầu trình độ giáo viên cao hơn thì việc duy trì, bổ sung giáo viên tin học và ngoại ngữ sẽ càng khó khăn, đặc biệt là khi giáo viên không được tuyển dụng hợp đồng không xác định thời hạn mà chỉ ký hợp đồng lao động.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, cần nhìn thẳng vào sự thật là nghề giáo hấp dẫn ở tính chất ổn định, còn thu nhập của nghề giáo thì khó có thể cạnh tranh với các ngành nghề khác. Thậm chí, từ nhiều năm nay giáo viên luôn được xếp vào một trong những ngành nghề có mức thu nhập thấp và cần có thêm các chính sách hỗ trợ, khuyến khích.
Vì vậy, đối với những nhân lực mong muốn một mức thu nhập cao thì nghề giáo viên chắc chắn không phải là lựa chọn. Còn đối với những nhân lực mong muốn có một công việc ổn định thì họ sẽ không lựa chọn nghề giáo viên nếu như không được tuyển dụng vào hợp đồng không xác định thời hạn mà chỉ ký hợp đồng giảng dạy ngắn hạn.
“Có rất nhiều tiêu chí khác nhau để lựa chọn công việc, tuy nhiên, hai tiêu chí tôi cho rằng có rất nhiều người quan tâm và đặt lên hàng đầu khi tìm kiếm việc làm đó là thu nhập và sự ổn định. Vậy khi một giáo viên chỉ được ký hợp đồng, năm học trước dạy trường này đến năm học sau phải lo lắng tìm trường khác để “được dạy”, vì trường cũ đã tuyển dụng được giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn, hoặc đơn giản hơn là tìm được giáo viên hợp đồng khác phù hợp hơn; thêm vào đó với thu nhập ở mức thấp thì chắc chắn, nghề giáo không phải là một lựa chọn tốt để họ duy trì và đảm bảo cơ bản cuộc sống.
Tôi đã gặp những giáo viên mầm non nghỉ việc đi làm công nhân. Đến khi có kế hoạch tuyển dụng biên chế họ cũng không muốn quay lại tham gia thi tuyển, xét tuyển nữa vì họ nhận thấy làm công nhân có thu nhập tốt hơn, thậm chí còn ổn định hơn làm giáo viên hợp đồng”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu thực tế.
Một vấn đề nữa đó là nghề giáo đòi hỏi nhiều kỹ năng và quan trọng nhất là nghiệp vụ sư phạm. Không phải một sinh viên ra trường có trình độ và giỏi ngoại ngữ hay tin học thì có thể ngay lập tức trở thành giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học trong hệ thống các trường phổ thông được. Bởi kiến thức về ngoại ngữ và tin học chỉ là điều kiện cần để đáp ứng được một phần yêu cầu của người giáo viên, ngoài ra còn cần những điều kiện đủ khác.
Người dạy phải được trang bị những kỹ năng sư phạm, những kỹ năng mềm. Những kỹ năng sư phạm, nghiệp vụ sư phạm cũng cần thời gian trau dồi, học tập tại hệ thống những trường đại học sư phạm. Hiện nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu sinh viên tốt nghiệp một chuyên ngành tương đương muốn trở thành giáo viên, muốn dự tuyển các kỳ thi viên chức ngành giáo dục, phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
“Tuy nhiên, việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm cũng chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết bài toán thiếu giáo viên trước mắt, còn lâu dài cũng không nên áp dụng. Một chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được học trong vòng khoảng 6 tháng với khoảng 17 tín chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể hoàn toàn thay thế được những kỹ năng sư phạm mà sinh viên các trường đại học sư phạm được đào tạo trong 4 năm học”, bà Nga nhấn mạnh.
Thực hiện xã hội hóa trong giảng dạy các môn tin học, ngoại ngữ cũng là một phương án khắc phục tình trạng thiếu giáo viên 2 bộ môn này hiện nay. Tuy nhiên, với những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, kể cả ký hợp đồng trực tiếp với các trường thì nhiều giáo viên vẫn lo lắng về tính chất bấp bênh của công việc. Nếu còn thông qua ký hợp đồng với bên thứ ba, liệu có tạo tâm lý e ngại cho giáo viên, mất đi một trong những sự hấp dẫn, thu hút người làm nghề giáo đó là tính ổn định của nghề.
“Có những giải pháp chúng ta cần áp dụng ngay, để khắc phục những hạn chế trước mắt nhưng để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực ngành giáo dục cần những có những giải pháp căn cơ, lâu bền và hoàn chỉnh”, đại biểu Nga đề xuất.
Đầu tiên vẫn là việc củng cố hệ thống các trường sư phạm, đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, theo yêu cầu nâng chuẩn giáo viên của Luật Giáo dục 2019, nếu không rà soát, xây dựng quy hoạch bao quát, tính toán phương án cụ thể, toàn diện sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống các trường sư phạm hiện có; thậm chí nhiều trường cao đẳng sư phạm có chất lượng đào tạo tốt sẽ có nguy cơ bị giải thể, xóa sổ; gây lãng phí hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên đào tạo sinh viên sư phạm.
Thứ hai, trong quá trình phân bổ chỉ tiêu và tuyển sinh của các trường sư phạm cần có sự tính toán cụ thể, khoa học dựa trên nhu cầu về giáo viên của tất cả các cấp học, các môn học để tránh đào tạo tràn lan, dẫn đến việc rất bị động về nhân lực giáo viên, lúc thì thừa, sinh viên sư phạm ra trường không thể xin được việc, lúc lại thiếu giáo viên trầm trọng.
Thứ ba, cần có chế độ thu hút và đãi ngộ thật xứng đáng đối với sinh viên sư phạm cũng như các chế độ lương, phụ cấp đối với các giáo viên để các giáo viên chuyên tâm với nghề, gắn bó với nghề và loại bỏ định kiến “giáo viên có thu thấp” để tăng tâm lý lựa chọn nghề giáo đối với những nhân lực có khả năng, trình độ. Đặc biệt chú trọng chính sách thu hút giáo viên tại khu vực nông thôn, các vùng kinh tế khó khăn để tránh tình trạng mất cân bằng nguồn nhân lực giữa các địa phương, vùng miền.
Thị trường lao động là một thị trường có sự cạnh tranh không kém các thị trường thương mại hàng hóa. Để có một đội ngũ giáo viên tốt, chất lượng, cần phải có những biện pháp cạnh tranh và thu hút xứng đáng. Nhất là nhân lực về ngoại ngữ và tin học, là những ngành rất được ưa chuộng và có nhu cầu cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, thì sự cạnh tranh cũng ở mức cao hơn so với những chuyên ngành, bộ môn giảng dạy khác. Đây cũng là một trong những thách thức đối với các nhà quản lý giáo dục hiện nay.