Xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng tại BQL rừng phòng hộ Thạch Thành
Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Thạch Thành được giao quản lý, sử dụng và phát triển rừng trên diện tích hơn 8.600 thuộc địa bàn các huyện Thạch Thành, Bá Thước, Hà Trung, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, vì thế công tác tuần tra, bảo vệ rừng (BVR) của ban gặp nhiều khó khăn.
Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Thạch Thành phối hợp với chủ rừng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Thành Long.
Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, BQL đã có những sáng kiến cải tiến công tác quản lý, BVR nhằm giúp các hộ nhận khoán không những làm tốt công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), mà còn kinh doanh nghề rừng có hiệu quả, để người dân yên tâm gắn bó với rừng. Các trạm BVR trên địa bàn các xã đơn vị quản lý đã tăng cường công tác quản lý, BVR, BVR tận gốc, cán bộ bám cơ sở tuyên truyền cho các hộ nhận đất, nhận rừng hiểu được trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia các hoạt động quản lý, BVR và PCCCR; cung ứng cây giống trồng rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng gắn với phát triển rừng gỗ lớn; hướng dẫn khai thác rừng đúng quy định; tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng; trồng cây ăn quả; đấu mối với các đơn vị thu mua sản phẩm cho các trang trại... Các trạm đã chủ động phối hợp với các xã kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Các thôn có rừng phối hợp với chủ rừng tiến hành ký cam kết không vi phạm những điều cấm về rừng.
Các tháng đầu năm 2023, BQL rừng phòng hộ Thạch Thành đã tổ chức phát dọn thực bì làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng thông cho 563,1 ha; làm giảm vật liệu cháy bằng biện pháp đốt trước có kiểm soát 80 ha rừng thông; làm mới 8 km đường băng trắng cản lửa; tu sửa 34 km đường băng cản lửa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCCR.
Trong tổng diện tích rừng thuộc BQL quản lý có 6.110 ha rừng phòng hộ và 518,5 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất. Để chủ động xây dựng và quản lý bền vững rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, BQL rừng phòng hộ Thạch Thành đã phân công cán bộ về thôn, bản, thu thập, cập nhật số liệu, bản đồ theo dõi diễn biến tài nguyên rừng giúp cho công tác chỉ đạo quản lý, xây dựng rừng phòng hộ, quản lý dự án trên toàn vùng chính xác và hiệu quả. Đồng thời, bám sát địa bàn được phân công, khảo sát các vấn đề liên quan đến quản lý rừng phòng hộ; thường xuyên tuần tra bảo vệ an toàn diện tích rừng và đất rừng được giao.
Đến tháng 8-2023, BQL rừng phòng hộ Thạch Thành đã giao toàn bộ diện tích quản lý hơn 8.600 ha ổn định, lâu dài cho 580 hộ nhận khoán chăm sóc, BVR và tổ chức sản xuất trên đất lâm nghiệp. Các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp đã xây dựng được 55 gia trại và trang trại nông - lâm kết hợp, đem lại nguồn thu nhập khá cao, tạo việc làm tại chỗ và cải thiện thu nhập cho hàng trăm lao động trên địa bàn.
Từ năm 2021 đến tháng 8-2023 BQL rừng phòng hộ Thạch Thành đã hướng dẫn kỹ thuật; cung ứng cây cho các hộ nhận khoán trồng được hơn 150 ha rừng gỗ lớn. Nhìn chung, các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp đã yên tâm bảo vệ, phát triển rừng theo hướng bền vững. Nổi bật như mô hình trang trại BVR, phát triển rừng kết hợp trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình ông Trịnh Đình Nghi ở xã Thành Mỹ, bà Nguyễn Thị Dung, ông Nguyễn Văn Đức ở thị trấn Vân Du...
Kết quả, toàn bộ diện tích rừng do BQL thực hiện quản lý không xảy ra cháy. An ninh rừng trên địa bàn cơ bản được giữ vững. Thông qua triển khai các chương trình, dự án và công tác lâm nghiệp, BQL đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế tại một số xã, thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ kỹ thuật trồng, chăm sóc, BVR cho người dân, bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, hình thành các mô hình phát triển kinh tế rừng, trang trại tổng hợp. Cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn đã nhận thức được rừng góp phần quan trọng bảo vệ sự sống, đem lại lợi ích kinh tế và môi trường cho đồng bào các dân tộc, vì thế công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được xã hội hóa, tài nguyên rừng được quản lý, bảo vệ bền vững.