Xã hội hóa để phát triển
Thời gian qua, công tác xã hội hóa thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia tài trợ hoạt động TDTT, đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Ông Ngô Văn Nguyên, Bí thư chi bộ tổ dân phố Lê Hồng Phong, thị trấn Đu (Phú Lương) chia sẻ: Bên cạnh quan tâm xây dựng nhà văn hóa, đường bê tông, bà con trong tổ dân phố cũng rất đồng lòng đóng góp sức người, sức của để xây dựng sân luyện tập thể thao. Nhân dân đã đóng góp gần 100 triệu đồng để san ủi mặt bằng và đầu tư sân bóng chuyền, cầu lông và một số thiết bị phục vụ luyện tập khác. Đặc biệt, hai sân bóng chuyền có nền xi măng sạch sẽ, đầy đủ lưới bao, bóng điện để phục vụ người thi đấu, ghế đá cho các cổ động viên xung quanh đã được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2020. Từ khi có sân thể thao rộng, người già tập dưỡng sinh, thanh niên và người trung tuổi thành lập các câu lạc bộ bóng chuyền hơi, cầu lông luyện tập hàng ngày. Đặc biệt, môn bóng chuyền hơi được nhiều người trong tổ dân phố yêu thích do tốt cho việc rèn luyện sức khỏe, tinh thần. Nhiều người dù bận bịu với công việc, vẫn thu xếp để vẫn đến sân chơi bóng chuyền vào buổi tối.
Toàn tỉnh hiện có trên 200 nhà luyện tập thi đấu thể thao; gần 90 bể bơi, 160 sân vận động các loại; gần 2.000 sân tập luyện, thi đấu thể thao... đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu TDTT của các vận động viên và mọi tầng lớp nhân dân.
Không chỉ tổ dân phố Lê Hồng Phong, hiện nay, trên 90% tổ dân phố, xóm trên toàn tỉnh đã xây dựng được các thiết chế thể thao, văn hóa với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Các sân thể thao cấp xóm đã trở thành nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ TDTT cơ sở, có sân chơi, bãi tập đáp ứng nhu cầu luyện tập của người dân. Cùng với đó, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm giải thể thao được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Một số địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động TDTT như: T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên... Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có gần 1.900 câu lạc bộ TDTT cơ sở, tăng gần 600 câu lạc bộ so với năm 2010. Toàn tỉnh hiện có gần 31% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; 23% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao...
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Những năm qua, Sở luôn chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển sự nghiệp TDTT. Ngành đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương huy động nguồn lực, chăm lo cho công tác phát triển phong trào TDTT. Tăng cường vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu TDTT. Đặc biệt, quan tâm hướng về cơ sở, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào TDTT của các địa phương. Nhờ đó, hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Trong thời gian tới, để công tác xã hội hóa hoạt động TDTT đạt hiệu quả cao, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách về xã hội hóa của các tập thể, cá nhân đầu tư, đóng góp các nguồn lực cho hoạt động TDTT; khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực TDTT, dịch vụ TDTT. Đa dạng hóa các loại hình hoạt động, thực hiện chuyển đổi các cơ sở TDTT công lập sang phương thức cung ứng dịch vụ công; khuyến khích tổ chức thành lập các câu lạc bộ và tổ chức các hoạt động thể thao. Tiếp tục huy động các nguồn lực của tư nhân và các tổ chức kinh tế đầu tư phát triển các môn thể thao; ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư tài chính đối với một số môn thể thao thành tích cao, tạo động lực từng bước chuyên nghiệp hóa một số môn thể thao mũi nhọn của tỉnh.