Xã hội hóa giáo dục STEAM để tiết kiệm 50 tỷ USD cho Việt Nam trong tương lai

Theo các chuyên gia, các mô hình giáo dục STEAM từ thực tiễn triển khai từ nay đến năm 2045 sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được 50 tỷ USD đầu tư cho giáo dục STEAM.

Toàn cảnh về áp dụng các mô hình STEAM tại Việt Nam

Trong khuôn khổ các hoạt động thuộc Triển lãm Quốc tế Đổi mới Sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023), Hội thảo “Phát triển cộng đồng STEAM cho thế hệ trẻ Việt Nam” và các hoạt động trải nghiệm STEAM diễn ra tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cơ sở Hòa Lạc, từ ngày 29/10 đến ngày 1/11 cung cấp một bức tranh toàn cảnh về xu hướng giáo dục STEAM trên thế giới và Việt Nam trong thời gian qua.

Tại hội thảo, nhiều vấn đề liên quan đến thực trạng, nhu cầu và kinh nghiệm thực tiễn trong việc áp dụng các mô hình STEAM trên thế giới về Việt Nam cũng như cách liên kết phát triển cộng đồng STEAM mở tại Việt Nam cũng được đặc biệt quan tâm.

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), hiện nay STEAM không chỉ dừng lại ở ngành giáo dục mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng đặc biệt quan tâm tới việc phát triển giáo dục STEAM để thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, điều chỉnh kịp thời với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Giáo dục STEAM cũng có khả năng góp phần tăng cường phát triển cá nhân, phát triển cộng đồng, quốc gia và xây dựng nền kinh tế cho tương lai.

Hiện nay, STEAM đang được áp dụng trong giảng dạy tích hợp các kiến thức và kỹ năng liên quan đến 5 lĩnh vực gồm bao gồm Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học cho học sinh.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Founder Maker Việt chia sẻ tại Hội thảo.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Founder Maker Việt chia sẻ tại Hội thảo.

Khái quát về hoạt động của cộng đồng STEAM tại Việt Nam thông qua những kinh nghiệm của mình, ông Lê Ngọc Tuấn – Founder Maker Việt cho biết, Maker Việt đã hình thành cộng đồng “làng Maker” để cùng tạo ra các sản phẩm mã nguồn mở cho giáo dục STEAM tại Việt Nam, để cùng sinh hoạt làm việc, làm ra các sản phẩm, cùng nhau đi chia sẻ các dự án tới các bạn trẻ K12 (từ mẫu giáo đến lớp 12) thông qua các cuộc thi và liên minh các câu lạc bộ cấp 3 – Vietnam STEAM Union.

Việc hình thành này dựa trên cơ sở những cộng đồng mạng lưới Fablab (mô hình phòng lab đổi mới sáng tạo từ đại học MIT, tạo ra một không gian một cộng đồng với các công cụ chế tác, tài nguyên mở để cùng nhau học tập và tạo ra các sản phẩm), cộng đồng mã nguồn mở Arduino (nền tảng kết hợp phần cứng mã nguồn mở và phần mềm để tạo sản phẩm rất nhanh từ đó dễ dàng giúp mọi người làm sản phẩm đổi mới sáng tạo nhanh, ít nguồn lực), cộng đồng FIRST (cộng đồng robotics cho học sinh từ cấp 1 tới cấp 3 trên thế với mô hình học tập theo các câu lạc bộ robot, không chỉ làm robot mà còn như một doanh nghiệp có đủ các bộ phận từ quản trị, kinh doanh, truyền thông và kỹ thuật giúp các bạn trẻ phát triển đồng đều các kỹ năng khác ngoài công nghệ).

Việc phát triển các cộng đồng STEAM tại Việt Nam do đó, đang có rất nhiều tiềm năng và lợi thế.

Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Công nghệ dự án VIA – Maker Việt cũng đã chia sẻ về một sản phẩm mà các bạn trẻ vừa có thể học về mã nguồn mở Arduino, vừa có thể học về Robotics và dùng nó để học về những kiến thức mới nhất như IoT hay AI.

Tất cả những kiến thức đó được các chuyên gia, kỹ sư trong nước trong các tập đoàn công nghệ, startup tại Việt Nam cùng phát triển. Các chuyên gia đã cùng các bạn trẻ xây dựng một hệ thống tài liệu mở, phần cứng mở, hệ thống giả lập để bất cứ ai cũng có thể học AI với chi phí 0 đồng trên các sản phẩm xe tự hành.

Theo các chuyên gia, từ những mã nguồn mở như Arduino, những sản phẩm “make in Vietnam” đang được đem ra thế giới. Giáo dục STEAM ngày càng phát triển, đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều các phương pháp, công cụ giảng dạy STEAM được ra đời, giúp các bạn nhỏ - những tài năng tương lai có thể dễ dàng tiếp cận với STEAM hơn.

Hiện nay, STEAM và Arduino không chỉ được đưa vào những lĩnh vực robotics hay kỹ thuật truyền thống mà đa số mọi người đều được biết, nó còn được ứng dụng trong cả lĩnh vực nghệ thuật - một ứng dụng mới đặc biệt và đầy tính sáng tạo. Nhờ công nghệ, chúng ta đã có thể biến những âm thanh, ánh sáng, nhịp điệu của thiên nhiên lên Cloud truyền từ Tam Đảo Việt Nam tới triển lãm nghệ thuật tại châu Âu.

Tiềm năng, góp phần đem lại những bước tiến vượt bậc về công nghệ, về số hóa, tuy nhiên thực tế, giáo dục STEAM ở Việt Nam vẫn đang còn những hạn chế nhất định, đặc biệt là ở những vùng cao xa hôi, học sinh vẫn khó tiếp cận với STEAM. Để xóa bỏ những rào cản này, đã có nhiều thầy cô giáo tâm huyết, nỗ lực để đem STEAM gần hơn tới các học sinh theo cách của mình.

Cô Đào Thị Hồng Quyên – thành viên của Liên minh STEAM, giáo viên được nhận giải thưởng “Tỏa sáng sức mạnh tri thức” của UNICEFT cũng chia sẻ câu chuyện “6 người thầy trong giáo dục STEAM tại vùng cao nông thôn”, bao gồm Giáo sư thiên nhiên (Ông trời), Phó Giáo sư khó khăn, gia sư lao động, nhà giáo nhân dân - văn hóa cộng đồng, người thầy là nền tảng chuyển đổi số, người thầy làm hoạt động cộng đồng về STEAM.

Đã có tới 6.000 giáo viên và 36 phòng giáo dục được trực tiếp Liên minh STEAM đào tạo qua những hoạt động thời gian qua. Đó cũng là lý do vì sao, ROBOTICS tại các vùng cao nông thôn như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang có sự phát triển mạnh trong 1-2 năm gần đây.

Khát vọng khẳng định của giới trẻ Việt Nam

Hội thảo “Phát triển cộng đồng STEAM cho thế hệ trẻ Việt Nam” không chỉ tập trung quanh các chia sẻ từ các chuyên gia, nhà quản lý mà còn là nơi để các bạn trẻ chia sẻ kinh nghiệm, nỗ lực của bản thân trong việc chinh phục STEAM.

Bạn Nguyễn Minh Thái - học sinh trường THPT Sơn Tây và bạn Phạm Xuân Đạt - học sinh trường THPT Thái Phiên, huy chương vàng cuộc thi First Global nhấn mạnh việc học sinh có thể tự học từ học sinh qua các phong trào, cuộc thi trong nước như Vietnam Robotics Challenge và cuộc thi quốc tế như FIRST Global Challenge hay FIRST Tech Challenge.

Các bạn trẻ Việt Nam đang là những người đi tiên phong và đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển này. Có rất nhiều bạn chỉ đang là học sinh cấp 3 nhưng đã bộc lộ rõ niềm đam mê đối với STEAM và ROBOTICS, không ngừng học hỏi và tìm hiểu, khẳng định vị thế của STEAM, của công nghệ, và đặc biệt là của giới trẻ Việt Nam với các bạn bè trên khắp thế giới.

Gần đây, đội tuyển Việt Nam tham dự giải đấu FIRST Global Challenge được tổ chức tại Singapore – là một trong những giải đấu robot lớn nhất hành tinh, và đã xuất sắc giành huy chương vàng của giải đấu này.

Không gian khám phá STEAM tại Triển lãm Quốc tế Đổi mới Sáng tạo Việt Nam năm 2023.

Không gian khám phá STEAM tại Triển lãm Quốc tế Đổi mới Sáng tạo Việt Nam năm 2023.

Thông qua phần tọa đàm “Công dân toàn cầu – Hành trình STEAM for Vietnam kết nối trẻ em ra thế giới", bà Nguyễn Thị Hằng – Quản lý chương trình STEAM for Vietnam chia sẻ, việc đưa công nghệ từ thế giới về Việt Nam, phát triển STEAM tại Việt Nam ở mọi lĩnh vực đang đem đến những cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với các bạn trẻ trong việc hiện thực hóa những hoài bão trở thành những “công dân toàn cầu”, biến những kiến thức mà mình có trở thành những thành tựu, khẳng định vị thế, khẳng định khả năng của giới trẻ Việt Nam, công nghệ tại Việt Nam với thế giới.

Kỳ vọng về các startup kỳ lân của Việt Nam trong 10-15 năm tới

Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Founder Maker Việt, các sản phẩm, giải pháp, chương trình STEAM “make in Vietnam” rất quan trọng trong việc thúc đẩy xã hội hóa STEAM. Với kế hoạch hơn 20 năm mở rộng các cuộc thi như Vietnam Robotics Challenge tới 2500 trường THPT là điều khả thi, từ đó sẽ có 2500 CLB ROBOTICS để dẫn dắt hướng dẫn các học sinh khác xung quanh mình học và làm STEAM từ trên ghế nhà trường với các công cụ mở.

Một CLB sẽ có 100 thành viên, từ đó sẽ có 2.5 triệu “giáo viên” là học sinh để chia sẻ cho 50 triệu học sinh khác cả nước. Từ 2.5 triệu “giáo viên” trẻ này sẽ tạo ra hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm đổi mới sáng tạo trong tương lai, các startup kỳ lân của Việt Nam trong 10 - 15 năm tới.

Huệ Linh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/xa-hoi-hoa-giao-duc-steam-de-tiet-kiem-50-ty-usd-cho-viet-nam-trong-tuong-lai-ar831705.html