Xã hội hóa nguồn lực để phát triển rừng Việt Nam
Công tác xã hội hóa trồng rừng đang ngày càng được người dân và các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, hưởng ứng, góp phần thực hiện các chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Chiều 20/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Tọa đàm "Xã hội hóa trồng rừng vì một Việt Nam xanh hơn".
Nguồn vốn xã hội hóa từ huy động đầu tư trồng rừng chiếm 83%
Theo Cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán. Những nỗ lực này đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2022; duy trì, phát triển hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó có 4,6 triệu ha rừng trồng.
Điều này đã tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho những người làm nghề rừng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để đạt được những kết quả trên, công tác phát triển rừng đã có sự nỗ lực, chung tay của các cấp, các ngành, các cơ quan từ trung ương tới địa phương và toàn xã hội. Từ 2021 đến nay, cả nước trồng khoảng 696 nghìn ha rừng trồng tập trung; trồng khoảng 277 triệu cây phân tán.
Bên cạnh đó, diện tích rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn là là 445.480 ha; diện tích chuyển hóa rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn là 63.341 ha; tổng diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là: 449.240 ha.
Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, Nhà nước hiện đóng cửa rừng tự nhiên ít nhất đến năm 2030 nên rừng đặc dụng, phòng hộ (khoảng 7 triệu ha) phải giữ nguyên. Phần còn lại, khoảng 4 triệu ha rừng phòng hộ cần để phục hồi. Do đó, chỉ còn gần 4 triệu ha có thể khai thác, sản xuất.
Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng, thông qua nhiều chính sách quan trọng như giao đất giao rừng, các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi…
Từ đó, đã huy động tổng lực, đa dạng các nguồn vốn để thực hiện, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 17%, còn lại 83% là nguồn vốn xã hội hóa từ huy động đầu tư, đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Ngoài ra, việc hình thành và tổ chức hoạt động hiệu quả hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ trung ương đến địa phương cũng là một điển hình thành công của ngành lâm nghiệp trong việc huy động hiệu quả, bền vững nguồn lực xã hội cho quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng, với tổng nguồn thu là trên 23.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2011 - 2022.
Các nguồn thu dịch vụ môi trường rừng sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới, trước mắt là dịch vụ các bon rừng, kinh doanh tín chỉ các bon rừng.
Xã hội hóa trồng rừng là lựa chọn được nhiều nước ưu tiên
Đánh giá về công tác xã hội hóa trồng rừng, ông Trần Nho Đạt - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp) cho hay, chính sách này đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng và ngày càng được doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, triển khai cũng như đa dạng hóa nguồn lực đến từ nguồn quỹ quốc tế và trong nước...
Làm rõ thêm về vấn đề này, bà Phạm Thu Thủy - Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) cho biết, qua khảo sát từ 87 quốc gia trên thế giới cho thấy, xã hội hóa trồng rừng đang là lựa chọn được nhiều nước ưu tiên. Kinh nghiệm và xu thế của các quốc gia phát triển mạnh về trồng rừng là tài chính hóa các cơ chế chính sách liên quan về rừng như xây dựng thị trường tín chỉ đa dạng sinh học, hoặc coi các khu rừng như cổ phiếu và mua bán trên sàn chứng khoán.
Hiện nay Bộ NN&PTNT được giao xây dựng Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến trong tháng 11/2023, Bộ này sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ đề án.
Để tạo dựng được thị trường này, các nước xây dựng một loạt quỹ đầu tư, quỹ bảo tồn, đồng thời đánh thuế hệ sinh thái rừng, bảo hiểm và thị trường tín chỉ cảnh quan. Bất cứ chủ thể nào muốn khai thác các giá trị từ rừng đều phải thông qua hệ thống này.
Đồng tình với việc kêu gọi xã hội hóa trồng rừng, ở cấp địa phương, ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa khẳng định, xã hội hóa trồng rừng là huy động và phối hợp người dân, các tổ chức trong tất cả quy trình, từ khâu phát triển giống.
Ngoài ra là có cơ chế ràng buộc và lợi ích giữa các bên được hài hòa. Việc xã hội hóa, còn là hợp tác đa bên, liên ngành, giữa địa phương, tổ chức với nhau, thậm chí các quốc gia, khu vực với nhau.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mở cửa rừng là một tư duy mới về rừng, mở về giá trị kinh tế, tạo ra không gian giá trị nhiều hơn cho rừng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có tư duy mới, thay vì quan hệ mua - bán với người trồng rừng, có lẽ cần ngồi lại với nhau để xem đó là sự đầu tư, hợp tác với người dân... Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng phát triển chuỗi liên kết ngành hàng, hình thành các hợp tác xã, trong đó ưu tiên bà con dân tộc, có sự dẫn dắt của doanh nghiệp và địa phương./.