Xã Hội | Nông thôn mới TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Với mục tiêu xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, thời gian qua, huyện Tam Đường cơ bản thực hiện hiệu quả tiêu chí số 17 về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, góp phần cải thiện môi trường nông thôn văn minh, hiện đại.
Nhớ lại ngày đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (năm 2011), 100% xã trên địa bàn huyện Tam Đường chưa đạt tiêu chí môi trường. Huyện xác định đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện. Bấy giờ, người dân nông thôn chưa có thói quen thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Bà con xả trực tiếp nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi ra môi trường, gây ô nhiễm, mất cảnh quan. Nhiều nơi rác thải không được thu gom, xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ao, hồ. Cùng với đó, một số người dân thả rông gia súc, gia cầm, chất thải chăn nuôi chảy tràn khắp các bản, mất vệ sinh môi trường nông thôn ảnh hưởng tới sức khỏe Nhân dân.
Trước thực trạng trên, UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm khắc phục khó khăn, thực hiện tiêu chí môi trường. Phòng chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Phòng bố trí mỗi bản từ 4 - 7 xe, thùng đựng, chở rác, xây dựng lò đốt rác ở các khu dân cư. Đồng thời, vận động bà con đào hố chôn rác và ký cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường. Mỗi người dân luôn nâng cao ý thức tự thu gom, xử lý rác thải đúng nơi quy định.
Hàng năm, huyện tuyên dương những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác vệ sinh môi trường; phê bình, nhắc nhở đối với tập thể, cá nhân thiếu ý thức, làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái để răn đe, giáo dục, thực hiện hiệu quả. Đơn cử, xã Tả Lèng hiện nay chưa đạt tiêu chí môi trường. Huyện đã chỉ ra một số mặt hạn chế của xã trong triển khai, thực hiện tiêu chí môi trường, như: chất thải chăn nuôi và nước thải sinh hoạt chưa được xử lý dứt điểm. Thời điểm này, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con khắc phục hạn chế về xử lý chất thải ở khu dân cư. Xã phấn đấu đạt tiêu chí môi trường vào cuối năm 2021.
Cùng với đó, các xã, thị trấn còn tuyên truyền, vận động người dân không thả rông gia súc; xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố, hợp vệ sinh; tuyệt đối không để chất thải chăn nuôi chảy tràn tại khu dân cư; không được vứt rác và xác động vật xuống ao, suối… Đến nay, toàn huyện có 74% số hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; 69% hộ có chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm hợp vệ sinh. Huyện có 9/12 xã, thị trấn đạt tiêu chí môi trường. Một số xã đi đầu trong thực hiện tiêu chí môi trường, như: Khun Há, Sơn Bình, Bản Bo, Bình Lư…
Năm 2018, xã Khun Há được UBND huyện công nhận đạt tiêu chí môi trường. Các bản trên địa bàn xã xây dựng quy ước sáng thứ 7 hàng tuần mỗi hộ cử một thành viên tham gia quét dọn vệ sinh, trồng hoa, cây cảnh, góp phần "tô điểm" cho diện mạo bản thêm sáng, xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, phân công cán bộ, đoàn viên, thanh niên giúp đỡ hộ nghèo làm nhà tiêu hợp vệ sinh, đào hố xử lý rác thải, xây dựng chuồng trại xa nhà. Đến nay, 65% hộ dân trong xã làm chuồng nuôi nhốt gia súc xa nhà, hợp vệ sinh. Xã đã đầu tư 52 xe đựng rác công cộng, 44 lò đốt rác. 100% hộ trong xã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 86,8% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, bảo đảm "3 sạch".
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cách thức triển khai, thực hiện tiêu chí môi trường, anh Vàng Páo Ly - Phó Chủ tịch UBND xã Khun Há cho biết: “Để sớm đạt tiêu chí môi trường, xã chỉ đạo các bản đưa ra một số quy ước, yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện, như: nuôi nhốt gia súc xa nhà ở, không thả rông gia súc trong bản, xây dựng nhà tiêu và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hàng tuần, bà con tham gia tổng vệ sinh nội bản, khơi thông rãnh thoát nước, phát quang bụi rậm và đốt rác thải sinh hoạt. Nhờ đó, cảnh quan môi trường nông thôn trên địa bàn xã ngày cải thiện, rác thải được xử lý đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân”.
Trước đây, trên các cánh đồng của xã Bình Lư, dễ dàng nhìn thấy không ít vỏ lọ hóa chất, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt khắp nơi. Mặt khác, một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh miến dong trên địa bàn xã gây ô nhiễm môi trường do nước thải sản xuất miến. Để đạt tiêu chí môi trường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở bà con không vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở bờ ruộng, khe suối. Hàng năm, xã yêu cầu 100% chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh miến dong ký cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhiều hộ sản xuất miến dong chủ động xây dựng bể xử lý chất thải. Anh Trần Duy Tôn ở bản Thống Nhất, xã Bình Lư (hơn 40 năm gắn bó với nghề làm miến dong) tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi và bà con trong bản làm miến dong để nước thải chảy ra vườn, xung quanh nhà ở, gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện tiêu chí môi trường, hàng năm, cán bộ xã đến tận nhà yêu cầu tôi ký cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn trong sản xuất, kinh doanh. Tôi xây bể xử lý nước thải từ chế biến miến, tránh bốc mùi, ảnh hưởng sức khỏe gia đình và bà con trong bản. Đến nay, tôi vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh miến vừa giữ vững tiêu chí môi trường, góp phần xây dựng cuộc sống nông thôn ngày càng khởi sắc”.
Hiện nay, huyện Tam Đường còn 3 xã: Tả Lèng, Giang Ma và Nà Tăm chưa đạt tiêu chí môi trường. Các xã trên còn thiếu thùng, xe chở rác. Một số hộ dân ít quan tâm đến việc khơi thông rãnh thoát nước và vệ sinh nội bản. Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ để các xã, thị trấn trong huyện duy trì, nâng cao và hoàn thành tiêu chí môi trường. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí môi trường nhằm cải thiện môi trường nông thôn thông thoáng, sạch, đẹp.