Xã Hội | Phòng, chống Virus Corona (2019-nCoV) TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện Phong Thổ không tránh khỏi chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự chủ động, đa dạng và đổi mới cách làm, các HTX đã vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
HTX Nông sản Lai Châu ở thôn Tây Sơn (xã Mường So) triển khai thí điểm trồng 15ha mía lấy đường năm 2019 tại thị trấn Tam Đường và các xã: Sơn Bình, Bản Giang (huyện Tam Đường), thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ), xã San Thàng (thành phố Lai Châu). Sau một thời gian trồng, nhận thấy sản lượng và chất lượng mía đạt kỳ vọng, HTX quyết định mở rộng diện tích trồng mía tại các xã đã triển khai và trồng thêm ở xã Hoang Thèn, nâng tổng diện tích mía lên 135ha. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát (từ tháng 1 đến tháng 4/2021), lượng mía của HTX xuất ra thị trường nước ngoài gặp khó khăn do đội ngũ lái xe không được thông hành sang nước bạn như trước mà khi đến cầu Hữu Nghị phải thuê người nước bạn giao trả hàng. Không những vậy, phương tiện vận chuyển mía cũng phải chấp hành nghiêm ngặt các quy trình kiểm dịch, điều này làm tăng chi phí. Cửa khẩu Ma Lù Thàng áp dụng quy định xe chở không quá 10 tấn (cả xe và hàng hóa) trong khi mía là mặt hàng đặc thù chứa lượng nước nhiều, nặng, áp dụng điều này rất khó.
Trước tình hình đó, HTX Nông sản Lai Châu đã xin ý kiến các bên có liên quan áp dụng cơ chế riêng cho mặt hàng mía. Cụ thể, phương tiện được phép chở 50 tấn/xe (nguyên hàng); đội ngũ lái xe ở tại khu vực riêng, đảm bảo quá trình vận chuyển hàng hóa an toàn gắn với công tác phòng chống dịch. Với cách làm phù hợp, năm 2020 tổng sản lượng mía xuất ra thị trường của HTX đạt trên 3.000 tấn (riêng huyện Phong Thổ sản lượng xuất khẩu đạt 1.500 tấn, số mía thu mua lại làm giống đạt trên 500 tấn). Doanh thu của HTX đạt gần 5 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 230 hộ dân và 11 lao động với mức lương trung bình khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Nguyễn Trung Dũng - Phó Giám đốc HTX Nông sản Lai Châu chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp tuyên truyền, vận động Nhân dân chăm sóc diện tích mía đã trồng, đồng thời vận động Nhân dân một số xã của huyện Phong Thổ như: Hoang Thèn, Huổi Luông, Ma Li Pho, Bản Lang và Khổng Lào làm đất, mở rộng diện tích trồng mía cho đạt kế hoạch và dự kiến sản lượng. Phấn đấu đến cuối năm nay, sản lượng xuất khẩu mía đạt từ 7.000-8.000 tấn. Thông qua việc xuất khẩu mía để mang lại nguồn kinh tế ổn định, lâu dài cho nông hộ cũng như duy trì, phát triển HTX ngày càng lớn mạnh”.
Mới thành lập đầu năm 2020, HTX Dương Yến ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ) có 7 thành viên. Những ngày đầu chập chững hoạt động HTX gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu mua hàng ít, sức mua giảm, doanh thu bán hàng giảm. HTX đã phải quảng bá sản phẩm cá tầm, cá hồi trên các trang mạng xã hội kết hợp phát triển dịch vụ thưởng thức cá tại chỗ; mua thêm bàn ghế đón tiếp khách; xây dựng các gian nhà dừng chân; cải tạo cảnh quan nơi kinh doanh.
Anh Hoàng Đăng Bình - Giám đốc HTX Dương Yến nói: “Mỗi tháng chúng tôi đón tiếp khoảng 900 lượt khách và bán được 2 tạ cá tươi qua mạng xã hội. Với cách làm này, doanh thu từ đầu năm đến nay của HTX đạt gần 1 tỷ đồng. HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, lao động thời vụ 5 người, mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng và nuôi ăn, ở. Đặc biệt, HTX có 3 sản OCOP là: ruốc cá hồi, cá hồi phi lê, cá tầm cắt khúc đạt tiêu chuẩn 3 sao. Sắp tới, chúng tôi sẽ quảng bá rộng rãi hơn về các sản phẩm để sản phẩm thâm nhập sâu vào các thị trường khó tính như các siêu thị, gian hàng lớn trong và ngoài tỉnh”.
Được biết, ngoài 2 HTX: Nông sản Lai Châu, Dương Yến trên địa bàn huyện Phong Thổ còn có nhiều HTX khác. Có thể kể đến: HTX Biên Cương liên kết thu mua và chế biến chè cổ thụ; HTX Xuân Oanh quản lý bảo vệ rừng, chăn nuôi, trồng dược liệu; HTX Việt Trung, HTX Phương Sinh thu mua và tiêu thụ sản phẩm chuối… Điều này, góp phần nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện lên 14 HTX (tăng 3 HTX so với cuối năm 2019). Qua đánh giá đến hết năm 2020, huyện có 4 HTX hoạt động khá, 7 HTX hoạt động trung bình, 3 HTX chưa đủ thời gian để đánh giá. Có 2 HTX tham gia vào liên kết, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, 2 HTX tham gia đầu mối liên kết thu mua nông sản, 2 HTX với 6 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Từ đầu năm 2020 đến nay, không có HTX nông nghiệp phải giải thể.
Các HTX đã thể hiện rõ vai trò trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu thập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Giờ đây, thu nhập bình quân của thành viên, lao động 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Đồng chí Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: “Để các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, thời gian tới phòng sẽ phối hợp với Phòng Tài chính Kế hoạch, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các HTX tham gia một số nội dung, chương trình theo đúng nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các đề án: phát triển hàng hóa tập trung, phát triển rừng bền vững mà UBND tỉnh đã đề ra. Khuyến khích, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận các nguồn vốn phát triển nông nghiệp trên địa bàn”.
Với những kết quả đạt được cộng với sự quan tâm của các cấp, ngành, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Phong Thổ sẽ tiếp tục phát triển, khẳng định vị thế trên thị trường. Từ đó, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng trên khu vực biên giới.