Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới, có diện tích 152.696ha, nằm cách thành phố Lai Châu 60km về hướng Tây. Đặc biệt, các xã vùng cao của huyện có khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi để các loại cây dược liệu phát triển.

Du khách khi có dịp đến Sìn Hồ thường chọn mua những sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên được sản xuất bởi người dân địa phương.

Để phát triển kinh tế từ cây dược liệu, cấp ủy, chính quyền huyện đã tận dụng lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp, tập trung được sức dân, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, khảo sát, lựa chọn kỹ những loại cây phù hợp để phát triển như: đỗ trọng, đương quy, sa nhân, atiso, bảy lá một hoa, tam thất… Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu tự nhiên dưới tán rừng. Qua đó, đã dần hình thành tại đây vùng dược liệu phong phú, cả trong tự nhiên và nuôi trồng. Hiện nay khi nhu cầu về dược liệu tăng cao, huyện chủ động phát triển chế xuất thành phẩm các loại dược liệu tại chỗ, nâng cao giá trị sản phẩm, dễ tiếp cận thị trường hơn. Bà con trong huyện nhờ có những dây chuyền chế biến tại chỗ đã không còn phải bán sản phẩm "thô" như trước kia nữa.

Thành công lớn nhất là một số sản phẩm Ocop của địa phương được công nhận đạt 3 - 4 sao, các hợp tác xã chuyên về kết nối bao tiêu sản phẩm Ocop được thành lập, sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng nhanh, hiệu quả. Năm 2020 là năm cây dược liệu Sìn Hồ được mở rộng quy mô và phát huy hiệu quả. Theo thống kê toàn tỉnh có 875 loài dược liệu, 20 loài cây thuốc thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm cần bảo tồn như: bảy lá một hoa, sâm Lai Châu, bạch chỉ, ngô thù du, chi tử, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, đan sâm… thì địa bàn Sìn Hồ gần như có đủ. Nhiều loại đã được chế biến thành sản phẩm đóng hộp có giá trị cao như: đẳng sâm, cao atiso… được công nhận sản phẩm Ocop, có vùng nguyên liệu đủ cung cấp cho dây chuyền sản xuất tại địa bàn.

Ông Nguyễn Quốc Vương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Sau nhiều năm khuyến khích người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo hướng phát triển vùng sản xuất dược liệu, mở rộng diện tích trồng dược liệu sẵn có, thực hiện chính sách thu hút, tạo cơ chế cho doanh nghiệp trồng, chiết xuất, chế biến các loại thảo dược của địa phương, ngành dược liệu huyện đã có hướng phát triển mới. Vừa qua đã có hợp tác xã trên địa bàn huyện mạnh dạn mở xưởng chế biến và cửa hàng liên kết, cung ứng các sản phẩm dược liệu, được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Nhờ đó, người dân có thêm thu nhập, thêm niềm tin vào tương lai mới của ngành dược liệu tại địa phương.

Hiện nay trên thị trường, các loại thảo dược như: sâm Lai Châu, bảy lá một hoa với đan sâm, đẳng sâm… có giá nguyên liệu tươi chưa chế biến là 15 - 60 triệu đồng/kg tùy tuổi và môi trường nuôi dưỡng; cây bảy lá một hoa 1 triệu đồng/kg; lan kim tuyến tươi từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg; một số loại cao lá, củ atiso có giá 350 nghìn đồng/lọ; cao sâm 700 nghìn đồng/lọ… Các sản phẩm dược liệu của địa phương, nhờ khoa học công nghệ phát triển, phần lớn thông qua internet, mạng xã hội đã tiếp cận người tiêu dùng rất nhanh, tất cả đều có những phản hồi tích cực từ cộng đồng.

Nhờ Nhân dân đoàn kết vươn lên; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện; sự chung tay của nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp, ngành dược liệu trên cao nguyên Sìn Hồ đã và đang phát huy được tiềm năng, thế mạnh, cơ hội cho người dân tăng thu nhập, làm giàu trên đồng đất quê hương.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/ph%C3%A1t-huy-th%E1%BA%BF-m%E1%BA%A1nh-t%E1%BB%AB-c%C3%A2y-d%C6%B0%E1%BB%A3c-li%E1%BB%87u