Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Đó là phương châm Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phong Thổ triển khai thực hiện trong công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) hàng năm. Qua đó, giúp Nhân dân có thêm nguồn thu nhập để đầu tư sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế và tạo động lực tiếp tục chăm sóc, bảo vệ rừng.

Huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn. Toàn huyện có trên 43.000ha rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 45%. Để có được kết quả này, những năm qua, Ban QLRPH huyện tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt Luật Lâm nghiệp; chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng để hưởng lợi. Đồng thời, phát huy hiệu quả của các tổ chuyên trách ở thôn, bản trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra, phòng chống cháy rừng.

Cùng với đó, Ban QLRPH huyện và UBND các xã, thị trấn quan tâm triển khai thực hiện công tác chi trả DVMTR theo phương châm: “Nhanh gọn, kịp thời, hiệu quả”, đảm bảo đúng thời gian theo quy định. Được biết, Ban QLRPH huyện chi trả DVMTR của 23.000ha rừng phòng hộ, rừng trồng; còn lại là diện tích thuộc các xã, thị trấn chi trả.

Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân xã Pa Vây Sử. Ảnh tư liệu

Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân xã Pa Vây Sử. Ảnh tư liệu

Đồng chí Nguyễn Văn Tuyển - Trưởng Ban QLRPH huyện Phong Thổ cho biết: Để đảm bảo công tác chi trả DVMTR hiệu quả, ngay từ tháng 12 của năm trước, Ban thành lập hội đồng đi nghiệm thu, kiểm tra rừng ở các xã. Dựa trên hợp đồng giao khoán với các hộ dân, lập danh sách các hộ vi phạm không được hưởng chi trả DVMTR. Ban xây dựng kế hoạch thực hiện chi trả DVMTR, thống nhất với UBND các xã, thị trấn về thời gian để đảm bảo tiến độ chi trả; tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân. Ban QLRPH huyện chia lực lượng cán bộ, nhân viên trong cơ quan đến từng xã để chi trả theo hình thức “cuốn chiếu”. Đối với những hộ đã chuyển khỏi địa bàn, lập biên bản chuyển giao tiền cho trưởng bản, đưa vào quỹ hoạt động của bản.

Bên cạnh sự chủ động của Ban QLRPH huyện, UBND các xã, thị trấn tích cực bám sát theo kế hoạch chi trả DVMTR; linh hoạt trong việc phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, đội ngũ trưởng bản, tổ chuyên trách bảo vệ rừng tham gia thực hiện chi trả gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng chí Đặng Xuân Thanh - Chủ tịch UBND xã Nậm Xe cho biết: Xã có diện tích rừng (gồm cả cây cao su) là hơn 5.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 50%. Hiện nay, toàn xã có 1.724 hộ, nhóm hộ ở 17 bản được hưởng tiền chi trả DVMTR. Khi nhận được kế hoạch, thời gian chi trả của Ban QLRPH huyện, xã thông báo đến từng hộ dân thông qua đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng bản. Đồng thời, xây dựng phương án, chia thành 16 tổ chi trả (có những bản ít gộp lại 1 tổ), phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng, chống cháy rừng phụ trách phối hợp với trưởng bản, tổ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ; phân công công an các xã phụ trách đảm bảo an ninh trật tự. Các tổ tiến hành chi trả tiền cho bà con theo giờ như đã thông báo; mỗi giờ thực hiện chi trả cho khoảng 20-30 hộ dân, nhằm bảo đảm khoảng cách an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Với sự nỗ lực, chủ động thực hiện nhiệm vụ của Ban QLRPH huyện và UBND các xã, thị trấn, trong 1 tháng việc chi trả DVMTR của huyện đã hoàn thành. Được biết, năm 2020, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Ban QLRPH huyện thực hiện chi trả 21 tỷ 300 triệu đồng cho người dân; UBND các xã, thị trấn chi trả hơn 19 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng được nhận 3,2 triệu đồng/năm. Nhờ đó, Nhân dân phấn khởi có nguồn vốn đầu tư sản xuất, mua sắm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình.

Anh Vàng A Phàng ở bản Pờ Xa, xã Pa Vây Sử chia sẻ: “Gia đình tôi năm nay được nhận 7 triệu đồng tiền chi trả DVMTR. Từ số tiền này, vợ chồng tôi mua phân bón phục vụ cấy lúa vụ mùa, trồng ngô xuân hè; số tiền còn lại, mua các nhu yếu phẩm cho gia đình; mua giống gà, vịt nuôi phục vụ bữa ăn hàng ngày. Hiện nay, gia đình tôi cấy 4.000m2 lúa, hơn 1.000m2 ngô, trồng 1ha thảo quả, nuôi 6 con lợn, vài chục con gà. Từ khi có chính sách chi trả DVMTR, bà con trong bản nhận thức rõ hơn về lợi ích của rừng mang lại. Vì thế, chúng tôi thường xuyên luân phiên đi tuần tra, bảo vệ rừng; phát quang đường băng cản lửa, phòng cháy rừng trong mùa khô; các hộ tự bảo nhau không chặt cây trong rừng lấy gỗ, không xâm lấn đất rừng làm nương”.

Có lẽ chính vì thay đổi trong suy nghĩ, hành động của Nhân dân, nhiều năm qua, huyện Phong Thổ không xảy ra cháy rừng. Các vụ vi phạm liên quan đến công tác quản lý rừng ngày càng giảm. Trong 9 tháng năm nay, do thời tiết nắng nóng, trên địa bàn bản Nậm Cáy (xã Hoang Thèn) xảy ra 1 vụ cháy thảm cỏ với diện tích 0,64ha nhưng không ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên; toàn huyện phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm quy định quản lý rừng (giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm trước).

Hy vọng rằng, từ chính sách chi trả DVMTR rừng, Nhân dân huyện Phong Thổ sẽ tiếp tục chăm sóc, giữ rừng, trồng mới rừng, phủ xanh đất trồng, đồi trọc. Qua đó, tăng diện tích rừng tự nhiên của huyện, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng lên trên 50%; để “lá phổi” ngày càng thêm xanh, bảo vệ sức khỏe con người.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/nhanh-g%E1%BB%8Dn-k%E1%BB%8Bp-th%E1%BB%9Di-hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3