Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Có điện, người dân xã Mường Tè (huyện Mường Tè) thuận lợi hơn trong cuộc sống và sản xuất. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn cũng từng ngày khởi sắc.

Đến thăm nơi lao động sản xuất ở bản Nậm Củm, chúng tôi thấy điện gắn với mọi mặt cuộc sống của người dân. Từ đồng ruộng, nương ngô đến trang trại chăn nuôi, điện giúp vận hành máy móc, thắp sáng, sưởi ấm, giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian. Có điện, hiệu quả công việc nâng cao, năng suất, sản lượng tăng, góp phần cải thiện nguồn thu nhập cho bà con.

Chị Phan Thị Mỹ (bản Nậm Củm) cho biết: Có điện giúp tôi chăn nuôi không còn vất vả, nguồn thức ăn tự nhiên lấy về chỉ cần cho vào máy nghiền trong vài phút là có thể nấu cám, có thức ăn cho đàn vật nuôi, tiết kiệm được nhiều thời gian để làm công việc khác. Tùy theo điều kiện thời tiết, tôi còn trang bị thêm máy sưởi, quạt đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi và lắp đặt hệ thống chống trộm. Vậy nên, đàn vật nuôi của gia đình luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, đem lại thu nhập cao mỗi khi xuất bán.

Trước đây không có điện, đời sống của người dân rất lạc hậu. Ban ngày thì vất vả trên đồng ruộng, nương ngô, đêm đến sau bữa cơm vội chỉ làm bạn với ngọn nến, đèn dầu, nghe tiếng muỗi vo ve. Không điện, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, sản xuất hạn chế, thiếu hiệu quả, chỉ theo thói quen và sự hướng dẫn của cán bộ xã, không có máy móc, khoa học kỹ thuật hỗ trợ. Con trẻ ít được tìm hiểu các kiến thức ngoài xã hội, việc dạy học chỉ là đọc chép qua bài giảng trong sách giáo khoa. Các chương trình văn hóa, văn nghệ ít được tổ chức. Không có công nghệ thông tin hỗ trợ, việc giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ xã mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không đến được với Nhân dân, tạo cơ hội để bọn tội phạm lợi dụng để lôi kéo, dụ dỗ.

Có điện, việc sản xuất của người dân xã Mường Tè thuận lợi hơn.

Thực hiện di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu và Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến năm 2016, các hộ dân thuộc 7 bản của xã đều được sử dụng điện lưới quốc gia. Điện về bản bừng sáng cả núi rừng. Bà con có cơ hội mua các trang thiết bị, máy móc sử dụng điện như: tivi, tủ lạnh, quạt điện, máy xay xát, máy thái... Con trẻ tiếp thu nhiều thông tin trong học tập, được xem các chương trình yêu thích, khám phá thế giới qua sóng vô tuyến, mạng internet. Các cụ già, người lớn tuổi quây quần bên ấm chè dưới bóng đèn điện bàn về cách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, các sự kiện, lễ hội tổ chức thường xuyên vào buổi tối. Các điểm vui chơi, giải trí được mở, góp phần cải thiện đời sống tinh thần của người dân.

Ông Lù Văn Thính (bản Giẳng) chia sẻ: Điện về giúp cuộc sống của người dân trong bản đổi thay rất nhiều, trình độ nhận thức nâng lên, hiểu biết hơn về pháp luật, không còn bị kẻ xấu lợi dụng. Điện vận hành máy móc, giảm sức lao động, tăng năng suất, sản lượng mỗi khi đến mùa gặt. Có điện trợ giúp, trang trại của gia đình tôi luôn hiệu quả, đem lại thu nhập cao.

Hè đến, đông về không còn lo khi có quạt điện, bình nóng lạnh, máy sưởi. Điện còn giúp lực lượng chức năng trong việc phòng chống tội phạm, giảm tình trạng trộm cắp, mất an ninh trật tự. Không những vậy, công việc tại đơn vị, trụ sở xã được giảm tải, người dân đến xác nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính nhanh gọn, chính xác. Bên cạnh đó, xã khuyến khích bà con sử dụng tiết kiệm, thường xuyên kiểm tra đường dây, cột dẫn, thông báo kịp thời đến xã, Điện lực huyện khi có sự cố xảy ra.

Anh Tống Văn Thinh – Chủ tịch UBND xã nhận định: Từ khi có điện, mọi khó khăn trong cuộc sống được giải quyết, tri thức nâng lên, sản xuất cải thiện, từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 7,68%, nâng thu nhập bình quân lên 32 triệu đồng/người/năm. UBND xã thường xuyên nhắc nhở người dân sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/kh%E1%BB%9Fi-s%E1%BA%AFc-nh%E1%BB%9D-%C4%91i%E1%BB%87n-l%C6%B0%E1%BB%9Bi-qu%E1%BB%91c-gia