Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Trước những hiệu quả kinh tế rõ nét do địa lan mang lại, thời gian gần đây huyện Phong Thổ đã khuyến khích và tạo điều kiện để người dân phát triển cây trồng này gắn với du lịch cộng đồng và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, hướng đến mục tiêu tăng thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững cho người nông dân.

Sin Suối Hồ từ lâu được biết đến là vùng đất sơn thủy hữu tình, điểm du lịch hấp dẫn được nhiều du khách gần, xa ghé thăm. Nơi đây, khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, hoang sơ, văn hóa đồng bào dân tộc Mông độc đáo. Một điểm nhấn không thể không nhắc đến chính là sức hút từ những chậu địa lan. Nhận thức được điều đó, những ngày này, bà con nông dân trong xã tích cực tách chậu, chăm sóc để địa lan thêm sinh sôi nảy nở, mang đến sắc tươi mới cho vùng đất biên cương.

Anh Chang A Chinh, người dân bản Sin Suối Hồ kể: “Gia đình tôi trồng địa lan từ năm 2012, trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua gia đình tôi bán được trên 40 chậu địa lan, thu được 128 triệu đồng. Gia đình rất phấn khởi, dùng số tiền này để mua thêm phân, trấu về tách chậu địa lan. Từ đầu tháng 2 đến nay, gia đình tôi đã tách được trên 100 chậu địa lan mới. Số tiền còn lại, tôi đầu tư nhập hàng tạp hóa về bán và thuê máy xúc mở rộng ruộng”.

Cán bộ xã Sin Suối Hồ hướng dẫn người dân kỹ thuật tách chậu địa lan mới.

Cán bộ xã Sin Suối Hồ hướng dẫn người dân kỹ thuật tách chậu địa lan mới.

Chồng vắng nhà, một mình chị Sùng Thị Mẩy cùng bản Sin Suối Hồ vẫn thao tác việc tách chậu địa lan một cách thành thục. Với chị, kinh nghiệm trồng địa lan tích lũy nhiều năm qua là cơ sở quan trọng để chị tự tin tách chậu địa lan quý mua năm 2021 với giá thành cao (trên 1 triệu đồng/củ) thành nhiều chậu mới để nhân giống, tăng thu nhập cho gia đình trong thời gian tới.

Theo chia sẻ của bà con, từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm là thời điểm phù hợp nhất để tách chậu, chuyển địa lan từ chậu nhỏ sang chậu lớn. Do đó, những ngày này, bà con trong xã đều dành thời gian để phát triển số chậu địa lan mới. Muốn địa lan có tỷ lệ sống cao ngoài việc thao tác đảm bảo đúng kỹ thuật, trong quá trình tách, chuyển chậu người dân cần bổ sung lượng phân, trấu, mùn cưa phù hợp.

Điều đáng nói, vào cuối năm 2021, Nhân dân xã Sin Suối Hồ còn được hỗ trợ 500 triệu đồng mua giống hoa địa lan theo Đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn. Điều này góp phần tăng số lượng chậu địa lan trên địa bàn. Những chậu địa lan được người dân trồng trước đó, ra nhiều hoa, đủ điều kiện xuất, bà con đã mạnh dạn quảng bá, cung ứng ra thị trường bằng nhiều phương thức khác nhau. Từ việc quảng bá trên mạng xã hội, vận chuyển hoa ra thành phố bán lẻ, nhận cung ứng dịch vụ chuyển hoa tận nhà. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã tận dụng khoảng đất trống rộng trong xã làm địa điểm tập kết hoa địa lan để khách hàng dễ dàng đến ngắm, mua hoa.

Đồng chí Hoàng Văn Đại - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sin Suối Hồ cho biết: “Trong dịp tết năm nay, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá bán địa lan có giảm hơn so với mọi năm nhưng bù lại số lượng địa lan lại bán được nhiều nhất. Ước tính Nhân dân trong xã đã bán được 2.500 chậu địa lan, mang về nguồn thu trên 2 tỷ đồng. Hiện nay, trong xã còn trên 30.000 chậu địa lan, trồng ở 8/10 bản của xã, nhiều nhất ở các bản: Sin Suối Hồ, Căn Câu, Sân Bay. Trong định hướng phát triển của xã xác định địa lan là một trong những cây trồng mũi nhọn để tập trung phát triển, không chỉ quảng bá, tiêu thụ trong tỉnh mà còn nhân rộng và bán ra ngoài tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ngoài Sin Suối Hồ, trên địa bàn huyện Phong Thổ có nhiều xã khác có tiềm năng phát triển cây địa lan, có thể kể đến: Lản Nhì Thàng, Mồ Sì San, Dào San, Tung Qua Lìn. Bởi các xã có khí hậu mát, diện tích dưới tán rừng lớn, người dân có kinh nghiệm trồng địa lan. Một số xã còn được quan tâm phát triển hàng hóa tập trung, phát triển du lịch cộng đồng.

Đồng chí Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: “Thời gian qua, cây địa lan đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong huyện, tạo động lực để phát triển cây trồng này. Hiện nay, toàn huyện ước có khoảng 75.000 chậu địa lan. Trong thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng quy mô trồng cây địa lan, phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 toàn huyện tăng thêm 75.000 chậu địa lan”.

Phát triển cây địa lan gắn với phát triển du lịch và tiêu thụ sản phẩm là hướng đi phù hợp của huyện Phong Thổ, là cơ hội để hình thành mạng lưới liên kết người nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập và cải thiện đời sống Nhân dân cũng như thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn tại địa phương.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3-t%E1%BB%AB-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-%C4%91%E1%BB%8Ba-lan-g%E1%BA%AFn-v%E1%BB%9Bi-du-l%E1%BB%8Bch-c%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%93ng